Tạo thương hiệu cá tép dầu sông Đà

Tạo thương hiệu cá tép dầu sông Đà
Người dân huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) phơi cá tép dầu sông Đà. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Người dân huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) phơi cá tép dầu sông Đà.
Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La hình thành không chỉ cung cấp nguồn nước thiết yếu phục vụ sản xuất điện, sản xuất nông - lâm nghiệp, mà còn mang lại nguồn thủy sản rất phong phú cho người dân huyện Quỳnh Nhai, trong đó có cá tép dầu. Trước kia, việc đánh bắt cá tép dầu thường tập trung vào một số thời điểm trong năm. Từ khi lòng hồ thủy điện Sơn La hình thành, việc đánh bắt loài cá này đã có nhiều thuận lợi.

Theo thống kê, 9 tháng năm 2019, sản lượng cá nuôi và khai thác đánh bắt ước đạt 1.200 tấn; trong đó, sản lượng khai thác đánh bắt đạt 480 tấn. Sản phẩm tăng lên, người dân Quỳnh Nhai đã chế biến thành cá khô vừa dễ ăn, dễ bảo quản và tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn. Cá sau khi đánh bắt về được rửa sạch, đánh sơ qua vẩy và lọc sạch ruột.
 
Hợp tác xã Thái Tuấn ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đóng gói sản phẩm cá tép dầu sông Đà. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Hợp tác xã Thái Tuấn ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) 
đóng gói sản phẩm cá tép dầu sông Đà. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Sau đó, cá được tẩm ướp các loại gia vị như: muối, sa tế, đường, ớt bột... và phơi khô ở nơi thoáng mát. Qua trao đổi với các hộ dân được biết, cứ 5kg cá tép dầu tươi thì chế biến được 1 kg cá khô. Hiện giá bán cá tép dầu khô sông Đà khoảng 200.000 đồng/kg.   

Là một trong những hộ làm cá tép dầu khô, chị Hoàng Thị Tiến, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai chia sẻ, cá tép dầu sau khi mua về phải mổ rửa sạch, rồi ướp các gia vị như mắc khén, ớt bột, đường, sa tế, muối, mì chính… và phơi khô là được.    

Hiện Hợp tác xã Thái Tuấn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai đã đăng ký nhãn hiệu và đưa sản phẩm này vào bán cũng như trưng bày tại gian hàng OCOP của huyện. Bà Đinh Thị Yến, Giám đốc Hợp tác xã Thái Tuấn cho biết, để có được sản phẩm cá tép dầu khô sông Đà, hợp tác xã đã đứng ra thu mua cá từ người dân, rồi chế biến ra một sản phẩm. Sản phẩm cá tép dầu khô của hợp tác xã hiện được bày bán, quảng bá tại trung tâm giới thiệu hàng nông sản sạch của huyện và rất được du khách khi đến Quỳnh Nhai lựa chọn, mua làm quà.
 
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm cá tép dầu sông Đà của Hợp tác xã Thái Tuấn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm cá tép dầu sông Đà của Hợp tác xã Thái Tuấn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Từ năm 2017 đến nay, Hợp tác xã Thái Tuấn đã phân phối và bán lẻ sản phẩm cá tép dầu khô sông Đà tại nhiều tỉnh khu vực phía Bắc, mang lại nguồn thu đáng kể, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Mới đây, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt sản phẩm cá tép dầu khô sông Đà vào danh mục làm điểm sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2019.

Theo đó, để tạo thương hiệu cá tép dầu sông Đà, tỉnh Sơn La tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã thủy sản đẩy mạnh sản xuất, nâng sản lượng và giá trị sản phẩm thủy sản mang tính đặc hữu của vùng; gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết sản xuất.
 
Sản phẩm cá tép dầu sông Đà của Hợp tác xã Thái Tuấn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Sản phẩm cá tép dầu sông Đà của Hợp tác xã Thái Tuấn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Ông Điêu Chính Hải, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, cho biết, trên cơ sở nguồn cá tép dầu sẵn có của địa phương, Tổ tư vấn thủy sản huyện Quỳnh Nhai tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân về quy trình sơ chế và cách chế biến cá. Đồng thời, UBND huyện Quỳnh Nhai tổ chức cho người dân tham gia các hội chợ thương mại của địa phương và tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm cá tép dầu khô cũng như tìm đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm này.  

Từ một sản phẩm đặc trưng của người Thái Quỳnh Nhai, cá tép dầu khô từng bước được nâng cao về chất lượng, trở thành một sản phẩm thủy sản lợi thế của địa phương. Để cá tép dầu khô đứng vững trên thị trường, tạo giá trị lợi thế, huyện Quỳnh Nhai đã và đang tập trung quy hoạch nguồn nguyên liệu, đảm bảo quy trình sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cho người dân./.
 
        Nguyễn Cường - Văn Thiệu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm