Trang trại nuôi gà lấy trứng của anh Cao Văn Cường ở xóm Đồng Tâm, xã Nghĩa Hoàn được gắn hạng 3 sao của chương trình OCOP. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN |
Khởi nghiệp được bốn năm nhưng mô hình trang trại nuôi gà Ai Cập lấy trứng của gia đình anh Cao Văn Cường ở xóm Đồng Tâm, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ đang là điển hình cho thanh niên vượt khó lập nghiệp. Trên diện tích 3.500 mét vuông, gia đình anh nuôi từ 4.000 đến 5.000 con gà đẻ trứng, trung bình mỗi ngày mỗi ngày xuất bán ra thị trường từ 1.500 đến 2.000 quả trứng. Mỗi năm gia đình có nguồn thu nhập 400 triệu đồng.
Chú trọng vào sản xuất theo hướng trứng gà sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn, năm 2019, thương hiệu trứng gà Nghĩa Hoàn của anh Cường đã được chứng nhận 3 sao chương trình OCOP. Khách hàng yên tâm về sản phẩm khi được dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Năm nay, mục tiêu của anh Cường là tăng gấp đôi quy mô trang trại và sản lượng trứng bán ra vì nhu cầu cầu lớn của khách hàng.
Anh Cao Văn Cường cho biết, từ khi phát triển trang trại theo hướng OCOP, sản phẩm được nhiều người biết đến, giá bán khá cao và ổn định. Chương trình OCOP giúp nông dân tăng giá trị của sản phẩm khi thương hiệu của mình được nhiều người biết trên thị trường.
Một sản phẩm nữa tiêu biểu chứng minh sự hiệu quả của chương trình OCOP tại tỉnh Nghệ An là vùng trồng cam sạch Sông Con tại xã Tân Phú. Trên diện tích 30 ha của 25 hộ dân theo tiêu chuẩn OCOP đã có chỗ đứng bước đầu vững chắc trên thị trường ở nhiều tỉnh như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Sài Gòn…
Nếu như trước đây, các hộ trồng cam ở tổ hợp tác cam sạch Sông Con chỉ bán được với giá 15.000 đồng/kg và đầu ra không ổn định thì khi tham gia vào chương trình OCOP, giá trị sản phẩm cam đã tăng lên 30.000 đồng/kg.
Hiệu quả kinh tế rõ rệt khiến các hộ trồng cam ở đây rất phấn khởi. Ông Nguyễn Tấn Phượng, Tổ trưởng Tổ sản xuất cam sạch Sông Con, xã Tân Phú cho biết, năm vừa rồi sản lượng cam của cả tổ khoảng 400 tấn, đầu ra rất ổn định. Để sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP, các hộ trồng cam ở đây không sử dụng thuốc hóa học vào việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học từ tự nhiên. Thời gian tới, tổ sản xuất sẽ mở rộng diện tích trồng cam sạch lên tới 50 ha để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Lợi thế từ rừng và vùng chăn nuôi, xã Nghĩa Bình có nghề nuôi ong từ hàng chục năm nay. Hiện tại, toàn xã có hơn 200 hộ nuôi ong. Lợi ích từ nuôi ong mang lại cho thu nhập hiệu quả từng hộ gia đình. Đây sẽ là sản phẩm đặc trưng của xã để tham gia OCOP.
Huyện Tân Kỳ có tiềm năng lớn với 21 xã có sản phẩm địa phương đặc thù để tham gia chương trình OCOP. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình chia sẻ, để sản phẩm mật ong của xã được nhiều nơi biết đến, giá trị kinh tế cao, ổn định hơn nữa, xã đã thành lập mô hình hợp tác xã nuôi ong để thu hút bà con tham gia vào Chương trình OCOP. Đây là cách làm hay nên được nhiều người nuôi ong hưởng ứng, kỳ vọng vào thương hiệu mật ong Nghĩa Bình được bay xa hơn tới nhiều thị trường trong nước.
Sau trứng gà sạch Nghĩa Hoàn và cam Tân Phú, hai sản phẩm là mật ong Nghĩa Bình, mật mía Tân Hương được lựa chọn để tham gia vào chương trình OCOP. Thực hiện đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến năm 2030, huyện Tân Kỳ chỉ đạo các địa phương căn cứ vào thế mạnh của mỗi vùng, miền để xây dựng mỗi xã 1 sản phẩm.
Với 22 xã có nhiều sản phẩm đặc thù địa phương, chương trình OCOP là hướng đi, chất xúc tác để nâng tầm đặc sản nông thôn huyện Tân Kỳ nói riêng và Nghệ An nói chung, cải thiện nguồn thu, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống.
Để thực hiện được điều này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ đã có những chương trình tập huấn, tư vấn cho bà con nông dân như: chu trình OCOP, bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm; phương án sản xuất kinh doanh, mẫu giới thiệu về tổ chức tham gia chương trình OCOP…
Ông Nguyễn Công Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ cho biết, các sản phẩm phân hạng 3 sao đạt OCOP của huyện đã đem lại hiệu quả to lớn cho bà con nông dân từ chất lượng, đầu ra của sản phẩm và được người tiêu dùng tin tưởng. Đến cuối năm 2020, mỗi xã phấn đấu đăng ký cho được một sản phẩm để công bố, đánh giá phân hạng và sản phẩm nào dễ làm trước, khó làm sau.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An có 48 sản phẩm địa phương được công nhận OCOP; trong đó, có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm thế mạnh của các địa phương được hoàn thiện theo quy chuẩn, tạo được vị thế, thương hiệu vững chắc trên thị trường.
Nguyễn Oanh