Tấm lòng nhân hậu của phụ nữ Bahnar trong sử thi Giông Trong Yoăn

Tấm lòng nhân hậu của phụ nữ Bahnar trong sử thi Giông Trong Yoăn
Sử thi kể về Giông Trong Yoăn là một chàng trai đẹp đẽ, tài giỏi. Chàng mặc áo phép thuật trở thành Yang Kỗi Kông, có hình thù kỳ dị gớm ghiếc. Chàng lấy Bia Phu nhưng cuộc sống không hạnh phúc vì chàng là kẻ xấu xí, hâm hấp, điên khùng, thô lỗ, tham ăn. Cho đến một ngày kia, Bia Phu tức quá liền lấy rìu đập vào đầu Yang Kỗi Kông làm chàng vô cùng đau đớn. Thấy vậy, Bia Man, em gái của Bia Phu khuyên can chị bằng những lời nói đầy cảm thông sâu sắc với những người không may (sử thi Giông Trong Yoăn, do bà Hơt làng Grek, xã Hnol, huyện Đak Đoa hát kể, ông Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm). Bia Man đã can chị như thế này: “A ơ này… chị Bia Phu/dù buồn bã, khổ đau tức giận/ cũng đừng đánh người ta mãi thế. Người ta cũng da thịt máu xương/người ta cũng biết đau như mình”.
 
Ảnh: Huy Tịnh
Ảnh: Huy Tịnh

Ở tình huống khác, khi Bia Phu đi lấy chồng mới, vợ chồng Bia Phu mời Yang Kỗi Kông đến uống rượu nhưng thực chất để làm nhục chàng: Yang Kỗi Kông vừa bước lên sàn, họ liền xô chàng rớt ngay xuống dưới gầm sàn để ai muốn nhổ nước miếng lên người chàng thì nhổ. Ai muốn đái ỉa lên người chàng thì đái ỉa. Họ còn ném chàng xuống vũng trâu nằm đầy phân, đầy bùn hôi hám. Nàng Bia Man lại can ngăn chị gái: “Ơ a này Bia Phu chị ơi/đã không yêu thương thì thôi/đừng làm hại làm khổ người ta…/ai cũng có thịt da xương máu/sao làm nhục người khác đến vậy”. Những lời nói của nàng Bia Man chứng tỏ nàng có một tình yêu bao la. Người bị hành hạ, làm nhục là người yếu kém về mọi mặt: hình thức thì xấu xí, tính tình thì hâm hấp. Nhưng những lỗi này không phải do Yang Kỗi Kông.

Chính vì thế tình yêu của nàng Bia Man càng nhiều hơn, sâu sắc hơn. Không chỉ can ngăn chị, tình thương của nàng còn biến thành hành động. Nàng đi lấy nước về tắm rửa cho Yang Kỗi Kông rồi chăm sóc chàng chu đáo. Đã thế, nàng còn an ủi Yang Kỗi Kông bằng những lời thương xót: “Ơ Yang Kỗi Kông, ơ anh rể hụt/Thương quá thôi, anh rể không thành/anh đừng tức, chớ giận hờn căm”. Nàng còn xoa dịu nỗi lòng Yang Kỗi Kông bằng cách tự bào chữa cho chị nàng hung dữ vì “từ ngày bé đã được ăn mắm”. Có thể nói trong sử thi, suốt giai đoạn chàng yang Kỗi Kông đội lốt con người tật nguyền xấu xí, Bia Man lúc nào cũng tỏ thái độ trân trọng. Trước hết đó là sự thương cảm với số phận một con người đáng thương, không có được niềm vui hạnh phúc của một người bình thường. Mà họ nào muốn thế. Đó là trời sinh ra phải chịu. Bia Man đã mang tất cả tình yêu thương chân thành để bù đắp khiếm khuyết của tạo hóa. Trước sau như một, nàng đều gọi Yang Kỗi Kông là anh rể với lòng kính trọng. Mỗi lời nàng nói với Yang Kỗi Kông đều chan chứa ân tình và thật tha thiết, thật âu yếm.

Khi đọc những khổ thơ này, độc giả rất dễ nhận ra tấm lòng đôn hậu của người phụ nữ Bahnar bởi lớp ngôn từ dung dị, chân thành. Cảm giác tình yêu thương thăm thẳm này có chút gì bí ẩn, lạ thường. Thực ra,  đó là đặc điểm riêng của người dân tộc thiểu số. Họ đã yêu thì thật thắm thiết, đã thương thì thật nồng đậm. Và đọc trực tiếp văn bản mới cảm nhận hết được điều đó. Đó là lý do vì sao khi nhìn những cuốn sử thi dày mấy trăm trang có thể rất ngại nhưng khi đã bập vào rồi chẳng muốn dứt ra.
 
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm