Sơn La phát huy thương hiệu đặc sản nếp tan Mường Và

Xôi được đồ từ gạo nếp tan Mường Và bằng chõ gỗ trên bếp củi. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Xôi được đồ từ gạo nếp tan Mường Và bằng chõ gỗ trên bếp củi. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Nếp tan Mường Và là một giống lúa đặc sản thơm ngon nổi tiếng ở vùng đất biên cương Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Giống lúa này đã gắn bó với cộng đồng dân tộc thiểu số như người Thái, người Lào từ bao đời nay. Hiện nay lúa nếp tan đã trở thành sản phẩm hàng hóa được công nhận thương hiệu, từng bước khẳng định giá trị trên thị trường giúp người trồng lúa có thu nhập ổn định.

Sơn La phát huy thương hiệu đặc sản nếp tan Mường Và ảnh 1Cánh đồng lúa nếp tan Mường Và, huyện Sốp Cộp. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp giống nếp tan địa phương có từ lâu đời, lúa nếp tan được bà con các dân tộc nơi đây lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bà con bắt đầu gieo mạ từ cuối tháng 4, cấy vào tháng 6, 7 và bắt đầu thu hoạch từ trung tuần tháng 10 đến tháng 11.

Sơn La phát huy thương hiệu đặc sản nếp tan Mường Và ảnh 2Lúa nếp tan Mường Và vào vụ thu hoạch. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Những ngày này, hàng nghìn hộ dân tại các xã Mường Và đang khẩn trương thu hoạch những cánh đồng lúa nếp tan truyền thống. Năm nay, mưa thuận gió hòa nên bà con nhân dân các bản gần xa đều thấy vui vì được mùa. Những năm gần đây, người dân đặc biệt quan tâm chăm sóc cánh đồng lúa theo hướng hữu cơ để đảm bảo chất lượng của sản phẩm này.

Sơn La phát huy thương hiệu đặc sản nếp tan Mường Và ảnh 3Người dân thu hoạch nếp tan Mường Và. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Chị Lò Thị Thủy, bản Mường Và chia sẻ, vụ thu hoạch năm nay gia đình chị và bà con dân bản rất vui vì được mùa. Với sản lượng khoảng hơn 5 tạ như năm nay đủ để dùng trong gia đình, làm quà biếu và bán một phần ra thị trường. Với mức giá khoảng 30.000 đồng/kg gạo nếp, cao hơn so với các loại lúa nếp khác trồng trong xã như hiện nay đã giúp chị và người dân trong vùng có thêm nguồn thu nhập ổn định. Cứ đến vụ thu hoạch, các thương lái đến tận nhà để thu mua nên bà con cũng không còn lo lắng về đầu ra.

Sơn La phát huy thương hiệu đặc sản nếp tan Mường Và ảnh 4Người dân phơi lúa sau khi thu hoạch. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Nếp tan Mường Và nổi tiếng vì hương vị đậm đà và độ dẻo thơm đặc trưng. Xôi đồ từ gạo nếp tan Mường Và bằng chõ gỗ trên bếp củi, để từ sáng đến tối vẫn giữ nguyên độ dẻo, vị ngon, không dính tay, hạt gạo có lớp dầu làm nên vị béo ngậy hấp dẫn. Những ai có dịp thưởng thức sẽ khó lòng quên được vị xôi nếp được kết tinh từ khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng biên giới xa xôi này. Ngoài việc được đồ lên để ăn hàng ngày thì vào dịp tết, dịp lễ hội lớn như Tết Khẩu hó (Tết cơm gói) hay ngày lễ của bản mường sẽ không thể thiếu mâm xôi nếp tan.

Sơn La phát huy thương hiệu đặc sản nếp tan Mường Và ảnh 5Người dân tuốt lúa sau khi thu hoạch. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Chị Vì Thị Hà, bản Mường Và cho hay, những người con gái lớn lên ở bản đều biết cách đồ xôi nếp tan vì người dân trong bản ăn lúa nếp này chứ không ăn gạo tẻ như các nơi khác. Những dịp lễ tết con gái trong nhà phải đồ xôi thật ngon, thật dẻo để thờ cúng tổ tiên.

Sơn La phát huy thương hiệu đặc sản nếp tan Mường Và ảnh 6Nếp tan Mường Và được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La. Hữu Quyết – TTXVN

Nếp tan Mường Và có nhiều loại như tan Hin, tan Nhe, tan Đỏ. Đây là những giống lúa địa phương được các thế hệ người Thái, người Lào ở đây gìn giữ, để lại cho con cháu đến bây giờ. Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với giống lúa đã tạo nên hạt gạo nếp tan có tiếng thơm ngon, cho năng suất bình quân từ 4,5 - 5 tấn/ha. Với diện tích gieo cấy hơn 200 ha, sản lượng thóc nếp của xã Mường Và đạt trên 900 tấn thóc một năm.

Sơn La phát huy thương hiệu đặc sản nếp tan Mường Và ảnh 7Cánh đồng lúa nếp tan Mường Và, huyện Sốp Cộp. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Hiện nay, nếp tan đã được cấp chứng nhận bảo hộ và thương hiệu "Nếp Mường Và - Sốp Cộp". Đồng thời, Lúa nếp tan Mường Và cũng là một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La. Huyện Sốp Cộp đã xây dựng được hệ thống nhận diện cũng như các quy định quản lý, sử dụng, kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận "Nếp Mường Và - Sốp Cộp". Đồng thời, quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm gạo nếp mang nhãn hiệu chứng nhận nếp Mường Và theo chuỗi giá trị; hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Sơn La phát huy thương hiệu đặc sản nếp tan Mường Và ảnh 8Xôi được đồ từ gạo nếp tan Mường Và bằng chõ gỗ trên bếp củi. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Bà Trần Thị Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp cho biết, để sản xuất ra sản phẩm phẩm đạt tiêu chuẩn mang nhãn hiệu chứng nhận, lúa nếp tan phải tuân thủ các quy tắc ngặt nghèo từ các bước như làm mạ, cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Qua việc xây dựng nhãn hiệu và phát triển thành sản phẩm OCOP, thị trường và kênh phân phối gạo nếp tan cũng bước đầu được mở rộng. Hiện nay, ngoài việc gìn giữ nguồn gen của giống lúa đặc sản, chính quyền địa phương đã hỗ trợ để người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, đưa ra thị trường để có thêm nguồn thu nhập từ trồng lúa.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm