Từ đầu tháng 8/2020 đến nay, tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La ghi nhận 25 ca bệnh sốt xuất huyết Dengue. Trước tình hình đó, tỉnh Sơn La đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống, không để bệnh sốt xuất huyết lây lan.
Kể từ khi sốt xuất huyết xuất hiện tại thị trấn Hát Lót, công việc của các thành viên tổ dân phố, nhóm liên gia tự quản đã tăng lên gấp nhiều lần so với trước đây. Những ngày này, bất kể thời tiết mưa hay nắng, các nhóm liên gia tự quản ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn đã đến từng nhà trên địa bàn để tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.
Ông Lê Văn Hùng, Tiểu khu trưởng tiểu khu 3, thị trấn Hát Lót cho biết, 15 thành viên của tiểu khu được chia thành 5 nhóm, cùng với cán bộ của trạm y tế đến tận nhà để tuyên truyền, vận động người dân cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết như khi ngủ phải bỏ màn, nhà cửa phải thông thoáng, phát quang bụi rậm... Đặc biệt lưu ý đến những vật dụng chứa nước để ngoài trời phải có nắp đậy, nếu không cần thiết thì đổ bỏ nước đi để muỗi không có nơi đẻ trứng, loăng quăng, bọ gậy không còn nơi sinh sống. Từ khi địa phương xuất hiện nhiều ca bệnh, các nhóm liên gia tự quản thường xuyên đến nhà các hộ dân để tuyên truyền, kết hợp kiểm tra việc thực hiện những biện pháp chống dịch.
Tính đến ngày 20/8, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 25 ca mắc sốt xuất huyết Dengue; trong đó 24 trường hợp tại thị trấn Hát Lót, 1 trường hợp tại thành phố Sơn La (có tiền sử đi từ thị trấn Hát Lót về). Đến nay, đã có 7 ca khỏi bệnh và đã xuất viện, còn 18 ca đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Sơn.
Bác sỹ Quàng Thị Ngọc Oanh (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La) cho biết, các bệnh nhân khi nhập viện có các triệu chứng như xuất huyết trên da, niêm mạc, chảy máu cam... Trong các ca đang điều trị tại bệnh viện chưa có trường hợp nào biến chứng nặng, hiện sức khỏe của các bệnh nhân tương đối ổn định.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, vào năm 2017, trên địa bàn huyện Mai Sơn đã bùng phát sốt xuất huyết Dengue với 79 ca mắc và không có ca tử vong. Đây được xác định là ổ bệnh sốt xuất huyết đầu tiên tại các tỉnh Tây Bắc. Trong năm 2018, 2019 tỉnh Sơn La không ghi nhận ca nào mắc sốt xuất huyết Dengue. Đánh giá về nguyên nhân xuất hiện trở lại của sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La nhận định, theo quy luật các ổ sốt xuất huyết trung bình 3-4 năm có khả năng bùng phát trở lại. Ngoài ra, năm nay diễn biến thời tiết đặc biệt, mưa sớm hơn và lượng mưa nhiều hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh trưởng của muỗi. Cùng với đó là sự chủ quan của người dân, chính quyền địa phương khi không có các biện pháp phòng chống dịch.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, ngay sau khi phát hiện các ca bệnh sốt xuất huyết tại huyện Mai Sơn, đơn vị đã triển khai lực lượng, cùng với địa phương thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, côn trùng, tuyên truyền hướng dẫn cách phòng bệnh, vệ sinh môi trường cho người dân. Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm, bắt muỗi, bọ gậy, phân loại chủng sốt xuất huyết và thành lập các tổ giám sát dịch bệnh. Qua quá trình khảo sát tại các khu vực có người mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La đánh giá, mật độ muỗi tại trung tâm ổ dịch rất cao, trung bình trong mỗi nhà có khoảng 50 con muỗi trưởng thành. Ngoài ra, các chum vại, bể nước, chậu hoa đều có bọ gậy, loăng quăng. Do vật trung gian truyền bệnh vẫn rất nhiều, trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới.
Để khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan, các đơn vị y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La tiếp tục rà soát, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân hiểu về dịch bệnh, không hoang mang; chủ động thực tốt các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, tự giác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cũng khuyến cáo người bị sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và theo dõi. Với người bệnh bị sốt xuất huyết Dengue nặng, nhất thiết phải vào bệnh viện điều trị theo phác đồ, tuyệt đối không được chủ quan tự điều trị ở nhà.
Hữu Quyết