Đồng Nai chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Đồng Nai chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Hai tuần gần đây, Đồng Nai chính thức bước vào mùa mưa, số bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết ngày càng tăng cao. Các bác sĩ cảnh báo, dù năm nay không phải chu kỳ đỉnh dịch nhưng người dân vẫn phải hết sức đề phòng, tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, không để tình trạng lây lan nhanh trong cộng đồng.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2020, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó tập trung chủ yếu ở các địa phương đông công nhân lao động, khu vực miền núi như thành phố Biên Hòa, Long Khánh, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch...; chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Ông Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Khoa Bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai), cho biết, việc hoạt động giám sát côn trùng trọng điểm trên toàn tỉnh cho thấy, hiện Đồng Nai có cả 2 loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) và Aedes albopictus, trong đó muỗi vằn là vector truyền bệnh chủ yếu. Muỗi vằn có đặc điểm là sống trong nhà, khu vực tập trung nhiều người, hay trú đậu ở chỗ tối như cây treo quần áo, nhà vệ sinh, gầm giường, bàn ghế... Còn muỗi Aedes albopictus sống chủ yếu ở khu vực có nhiều cây xanh và thường đẻ trứng ở những nơi có nước đọng, dụng cụ chứa nước.

Ông Phan Văn Phúc nhận định, thời gian tới mật độ muỗi mang mầm bệnh sẽ ngày càng nhiều. Do đó, người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng chống bệnh, dù không phải là năm chu kỳ của đỉnh dịch, nhưng bệnh sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát rất cao.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai), cho biết, việc phát hiện sớm một người bị mắc sốt xuất huyết không dễ bởi cứ 1.000 người nhiễm virus Dengue thì chỉ có 100 người bộc lộ triệu chứng ra bên ngoài như: sốt cao, đau đầu, mệt mỏi. Vì thế, khi bệnh nhân vào bệnh viện để khám và nhập viện điều trị thì đã bước sang ngày thứ 3 trở đi, bệnh tình đã diễn tiến nặng. Năm 2018, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận khoảng 1.000 ca bệnh sốc sốt xuất huyết nặng, không ít trường hợp phải điều trị nhiều tháng mới khỏi bệnh, nhiều trường hợp có nguy cơ tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, 6 tháng cuối năm là đợt cao điểm của bệnh sốt xuất huyết, do đó toàn tỉnh cần chủ động hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý ổ bệnh sốt xuất huyết, phun hóa chất diện rộng và tiến hành diệt lăng quăng vòng 3, vòng 4. Khối điều trị cần chẩn đoán sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh để bệnh diễn tiến nặng mới phát hiện và điều trị; đồng thời tăng cường việc quản lý bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại cơ sở.

Đặc biệt, toàn tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền với người dân về việc chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết như dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, đậy kín các vật dụng chứa nước, diệt muỗi, ngủ màn... Khi có dấu hiệu sốt cao mà không hạ, đau đầu, mệt mỏi thì bện nhân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Lê Xuân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm