Tỉnh Kiên Giang có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ gần 15% dân toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào Khmer chiếm trên 13%, với hơn 56.000 hộ, khoảng 237.000 nhân khẩu. Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cùng tinh thần nhạy bén, nỗ lực vươn lên, hàng nghìn hộ Khmer đã thoát nghèo, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện.

Nhạy bén vươn lên thoát nghèo
Là một trong những gia đình Khmer tiêu biểu trong lao động sản xuất, vượt qua nghèo khó, hộ ông Danh Bọt (61 tuổi), ở xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, Kiên Giang được người dân và chính quyền địa phương quý mến. Ông Bọt cho biết, gia đình có 2 người con, trước đây gia đình thuộc hộ nghèo, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau, phải đến những năm gần đây gia đình mới có cuộc sống ấm no, sung túc hơn.
Do chỉ có 0,6 ha đất ruộng nên ngoài nông nghiệp, vợ chồng ông Bọt đã chủ động làm nhiều nghề khác như: cắm câu, giăng lưới, đặt trúm đến việc vót câu, vót hom tre cung ứng cho các cơ sở bán ngư lưới cụ với nguồn thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Nhờ chăm chỉ, nhạy bén trong mưu sinh mà vợ chồng ông lo cho 2 người con học đến Trung cấp, Đại học và hiện nay có việc làm, cuộc sống ổn định. Đến năm 2019, gia đình cũng đã xây được ngôi nhà khang trang với chi phí hơn 500 triệu đồng.
“Vợ chồng tôi luôn tự nhắc nhở nhau phải cố gắng làm lụng để đưa gia đình vượt qua nghèo khó chứ không thể trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ, chăm lo của Nhà nước. Xã hội còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, trong khi mình có sức lao động, có khối óc suy nghĩ. Tôi rất vui vì những nỗ lực đó đã được bù đắp là 2 người con học hành đến nơi đến chốn và cuộc sống gia đình khấm khá hơn. Tôi cũng luôn cảm ơn Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ con em đồng bào Khmer học tập để nâng cao trình độ dân trí, tạo việc làm cho đồng bào Khmer”, ông Bọt chia sẻ.
Là một trong những hộ nhận được hỗ trợ từ dự án giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị Neang Sà Gom, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao phấn khởi cho biết, năm 2023 gia đình được nhận 2 con trâu và đến nay trâu đã sinh sản thêm 2 con, vợ chồng chị đang tích cực chăm sóc để tuyển chọn xuất bán trong thời gian tới. Gia đình chị Sà Gom có 2 con nhỏ đang học mẫu giáo, chồng chị ngoài chăm sóc đàn trâu đã sắp xếp thời gian hợp lý hơn để làm các nghề tự do tại địa phương như: làm hồ, đắp bờ, phun xịt thuốc, bón phân, dặm lúa… Chị Sà Gom bên cạnh trông giữ con nhỏ cũng phụ chồng cắt cỏ, chăn trâu, nuôi gà, vịt để có thêm nguồn thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.
“Không chỉ được tặng trâu để nuôi, 2 con của tôi đi học cũng được miễn học phí, 4 người đều được tặng bảo hiểm y tế miễn phí từ chính sách dành cho đồng bào Khmer. Sự quan tâm chăm lo của Nhà nước đã tạo thêm niềm tin, động lực để vợ chồng tôi chí thú làm ăn. Hiện tại, cuộc sống gia đình tôi cũng đủ đầy hơn, chính quyền địa phương cũng đã khảo sát để hỗ trợ kinh phí xây nhà ở dành cho hộ Khmer có hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng tôi cũng yên tâm hơn”, chị Neang Sà Gom nói.
Hộ ông Danh Út, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao thoát nghèo năm 2023, được địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng dành cho hộ vừa thoát nghèo để nuôi lươn không bùn và mua dụng cụ phục vụ cho nghề xây dựng. Hiện tại, bể lươn gần 4.000 con của gia đình ông Út sắp đến kỳ thu hoạch với sản lượng ước khoảng 1 tấn, giá trị hơn 75 triệu đồng. Ngoài việc nuôi lươn, ông Út nhận thầu xây dựng nhà cấp 4 tại địa phương để con trai lớn cùng vợ phụ làm thợ hồ mỗi năm từ 2 đến 3 căn nhà, tạo thu nhập hơn 90 triệu đồng/năm.
“Nhà nước trao cho gia đình mình cần câu thì mỗi thành viên trong gia đình phải siêng năng làm lụng để câu được cá. Ý thức như vậy nên gia đình tôi cùng cố gắng vươn lên trong cuộc sống”, ông Út cho chia sẻ.

Hỗ trợ, chăm lo sát thực tế
Bà Trương Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao cho biết, đồng bào Khmer trên địa bàn xã chiếm gần 50% dân số, với trên 1.000 hộ dân. Trong những năm qua nhờ triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả giảm nghèo vùng đồng bào Khmer từ hơn 10% ở năm 2015 xuống còn dưới 1,8% vào đầu năm 2025.
“Để làm tốt công tác giảm nghèo một cách bền vững trong đồng bào Khmer, quan trọng nhất là công tác rà soát, nắm sát tình hình của từng hộ, tìm hiểu nguyện vọng, khả năng lao động, sản xuất của từng thành viên để triển khai các dự án, mô hình hỗ trợ, chăm lo phù hợp mới phát huy được hiệu quả kinh tế”, bà Tuyết cho hay.
Theo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Kiên Giang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh được Trung ương phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển trên 66 tỷ đồng. Trong số vốn đó, ngân sách Trung ương khoảng 58 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương đối ứng trên 8,6 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến cuối năm 2024, mỗi năm Kiên Giang giảm hơn 2.000 hộ Khmer nghèo, cận nghèo. Hằng năm, tỉnh có khoảng 4.000 người dân tộc Khmer tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và học nghề; qua đó giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động/năm.
Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho biết, tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu phấn đấu nâng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến cuối năm 2025 tăng hơn hai lần so với năm 2020 (hơn 70 triệu đồng/người/năm); hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1,5 - 2%/năm, phấn đấu có ít nhất 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Ông Danh Phúc cũng cho hay, trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trong đồng bào Khmer thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế; thực hiện tốt các chính sách, tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các cấp học; thực hiện tốt chính sách xét tuyển học sinh dân tộc vào trường đại học dự bị, phổ thông dân tộc nội trú, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung rà soát các danh mục dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để quyết định điều chỉnh kịp thời; chỉ đạo tập trung đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, gắn với việc lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án khác.
“Tỉnh cũng sẽ gắn công tác này với kiểm tra, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện để có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế thiếu sót”, ông Phúc nhấn mạnh.
Văn Sĩ