Mỗi khi Xuân về, làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại tất bật vào vụ với những bông hoa rực rỡ sắc màu để phục vụ Tết Nguyên đán. Bàn tay khéo léo, nghệ thuật cùng tấm lòng trân quý nghề truyền thống của người dân nơi đây đã góp phần gìn giữ và xây dựng thương hiệu cho làng nghề có tuổi đời hơn 300 năm.
Mang sắc Xuân đến mọi nhà
Những ngày cuối năm, đến với làng hoa giấy Thanh Tiên, người dân và du khách sẽ cảm nhận được không khí Tết sớm. Bà con rộn ràng làm hoa để kịp cung ứng cho thị trường Tết. Trước sân, hàng chục cây hoa đủ màu sắc được trưng bày. Trong nhà, hoa ngập cả lối đi. Mùa Tết năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Tâm làm hơn 10.000 cành hoa giấy. Từ tháng 11 Âm lịch đến nay, gia đình bà phải thuê thêm nhân công để kịp cung ứng hoa cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đôi bàn tay thoăn thoắt cố định những bông hoa tinh xảo vào cành, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ, mùa Tết năm nay, gia đình bà có nhiều đơn hàng và bán hết sớm hơn so với mọi năm. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đặt hàng loại hoa này như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang… Người dân rất phấn khởi khi có thêm thu nhập; đồng thời góp phần gìn giữ nghề truyền thống cha ông để lại.
Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trí ở những nơi trang trọng như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và ông Táo; hàng năm được thay thế một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Theo thời gian, hoa giấy Thanh Tiên đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế. Nét đặc biệt của hoa giấy Thanh Tiên là tất cả công đoạn đều được làm thủ công. Với sự khéo léo và tỷ mỷ, những người thợ nơi đây đã tạo ra những bông hoa giấy sống động với nhiều nhiều loài hoa khác nhau như: Cúc, lan, hồng, dã quỳ, huệ, đồng tiền… Hiện nay, giá bán mỗi cặp hoa dao động từ 12.000 - 16.000 đồng.
Nghệ nhân Nguyễn Hóa cho biết, tháng 11 và 12 Âm lịch là thời gian sản xuất cao điểm của vụ Tết. Tuy nhiên, từ tháng 9 Âm lịch, các gia đình đã thực hiện các công đoạn như: Vót tre, nhuộm cành, cắt hoa, tạo cánh và kết hoa vào cành… Mỗi cành hoa giấy có 8 hoa chính và mang triết lý Nho học của người phương Đông. Ba cành hoa ở giữa tượng trưng là Quân - Sư - Phụ cũng có thể là Thiên - Địa - Nhân hoặc Trung - Hiếu - Nghĩa. Đặc biệt, luôn có một bông hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất tượng trưng cho mặt trời, đấng minh quân; còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho nhân - lễ - nghĩa - trí - tín.
Trong những ngày Tết, dù đã mua rất nhiều hoa tươi nhưng với người Huế vẫn không thể thiếu những cành hoa giấy Thanh Tiên. Những nghệ nhân tại làng nghề luôn nỗ lực để làm ra những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt, góp phần mang sắc Xuân đến với mọi nhà.
Phát triển du lịch, lưu giữ làng nghề
Qua biến thiên của thời gian, làng nghề truyền thống có lúc phải đối mặt với khó khăn. Khi không thể sống bằng nghề, nhiều người dân bỏ làm hoa giấy để kiếm kế sinh nhai khác. Tuy nhiên, một số gia đình vì trân quý nghề truyền thống của cha ông nên nỗ lực thay đổi để gắn bó và phát triển. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, người làng Thanh Tiên đã bắt đầu cải tiến mẫu mã, làm nhiều loại hoa; đặc biệt là khôi phục hoa sen giấy sau mấy chục năm thất truyền.
Anh Nguyễn Hiếu (người làm nghề hoa giấy ở xã Phú Mậu) cho biết, hoa sen giấy rất được ưa chuộng vì có thể trang trí trong gia đình, hay các lễ hội, sự kiện, cũng có thể đặt lên bàn thờ gia tiên. Mỗi năm, gia đình anh sản xuất khoảng 3.000 hoa sen giấy, vừa cung ứng cho thị trường ở Huế vừa gửi đi các địa phương khác trong nước. Người dân làng nghề đang tích cực ứng dụng công nghệ trong quảng bá sản phẩm, tăng cường giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội cũng như các ứng dụng: shopee, lazada…
Sản phẩm hoa giấy của làng Thanh Tiên không chỉ có mặt tại các kỳ Festival Huế, Festival làng nghề Huế, Lễ hội áo dài, các sự kiện văn hóa… trong cả nước, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài như: Mỹ, Pháp, Thái Lan… Vì vậy, người dân nơi đây không chỉ sản xuất hoa trong mỗi dịp Tết mà đã có việc làm quanh năm, thu nhập ổn định hơn. Năm 2013, làng nghề hoa giấy Thanh tiên đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là Làng nghề truyền thống; sản phẩm hoa giấy được công nhận là Sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Để bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, người dân nơi đây đã chú trọng phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề. Ngôi làng nhỏ nằm ở hạ lưu sông Hương đang từng ngày đổi thay, thường xuyên đón tiếp các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước.
Chị Nguyễn Khoa Thị Tuyết (thành phố Huế) chia sẻ, những bông hoa giấy Thanh Tiên không chỉ được các nghệ nhân chế tác công phu, rực rỡ sắc màu, góp phần tô điểm cho mùa Xuân mà còn mang đậm văn hóa Huế. Được tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm hoa dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của người dân và nghe những câu chuyện nghề là trải nghiệm thú vị đối với chị cũng như du khách khi đến đây.
Hiện nay, địa bàn xã có khoảng 20 hộ làm hoa giấy. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu Trần Như Hùng cho biết, địa phương chú trọng tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị bản sắc làng nghề; đồng thời, đào tạo nghề cho đội ngũ kế cận; kết nối các tour, tuyến quảng bá sản phẩm và du lịch làng nghề. Xã tạo điều kiện hỗ trợ các hộ có nhu cầu vay vốn chính sách để phát triển nghề. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh các giải pháp đưa hoa giấy lên sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, tăng lượng tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Xã kiến nghị cấp trên quan tâm, hỗ trợ đầu tư hệ thống giao thông và công trình nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề để thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Tường Vi