Thừa Thiên Huế vài nét tổng quan

Thừa Thiên Huế vài nét tổng quan
1. Vị trí địa lý

Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở duyên hải miền trung Việt Nam bao gồm phần đất liền và phần lãnh hải thuộc thềm lục địa biển Đông. Phần đất liền Thừa Thiên Huế có tọa độ địa lý như sau:

- Điểm cực Bắc: 16 độ 44 phút vĩ Bắc và 107 độ 23 phút kinh Đông tại thôn Giáp Tây, xã Điền Hương, huyện Phong Điền.

- Điểm cực Nam: 15 độ 59 phút vĩ Bắc và 107 độ 41 phút' kinh Đông ở đỉnh núi cực nam, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.

- Điểm cực Tây: 16 độ 22 phút vĩ Bắc và 107 độ kinh Đông tại bản Paré, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới.

- Điểm cực Đông: 16 độ 13 phút vĩ Bắc và 108 độ 12 phút' kinh Đông tại bờ phía Đông đảo Sơn Chà, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Thừa Thiên Huế có chung ranh giới đất liền với tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (có 81 km biên giới với Lào) và giáp biển Đông.

- Phía Bắc, từ Đông sang Tây, Thừa Thiên Huế trên đường biên dài 111,671 km tiếp giáp với các huyện Hải Lăng, Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

- Từ mặt Nam, tỉnh có biên giới chung với huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam dài 56,66 km, với huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng dài 55,82 km.

- Ở phía Tây, ranh giới tỉnh (cũng là biên giới quốc gia) kéo dài từ điểm phía Bắc (ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế với tỉnh Quảng Trị và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) đến điểm phía Nam (ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế với tỉnh Quảng Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) dài 87,97 km.

- Phía Đông, tiếp giáp với biển Đông theo đường bờ biển dài 120 km.

- Phần đất liền, Thừa Thiên Huế có diện tích 503.320,5 ha (theo niên giám thống kê năm 2013), kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nơi dài nhất 120 km (dọc bờ biển), nơi ngắn nhất 44 km (phần phía Tây); mở rộng chiều ngang theo hướng Đông Bắc - Tây Nam với nơi rộng nhất dọc tuyến cắt từ xã Quảng Công (Quảng Điền), phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) đến xã Sơn Thủy - Ba Lé (A Lưới) 65 km và nơi hẹp nhất là khối đất cực Nam chỉ khoảng 2-3 km.

- Vùng nội thủy: rộng 12 hải lý

- Vùng đặc quyền kinh tế mở rộng đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

- Trên thềm lục địa biển Đông ở về phía Đông Bắc cách mũi cửa Khém nơi gần nhất khoảng 600m có đảo Sơn Chà. Tuy diện tích đảo không lớn (khoảng 160ha), nhưng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng đối với nước ta nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

- Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc-Nam, trục hành lang Đông - Tây nối Thái Lan - Lào - Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước, nằm giữa thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất nước ta. Thừa Thiên Huế cách Hà Nội 660 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.080 km.

- Bờ biển của tỉnh dài 120 km, có cảng Thuận An và vịnh Chân Mây với độ sâu 18 - 20m đủ điều kiện xây dựng cảng nước sâu với công suất lớn, có cảng hàng không Phú Bài nằm trên đường quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy dọc theo tỉnh.

2. Điều kiện tự nhiên 

Địa hình

Địa hình Thừa Thiên Huế có cấu tạo dạng bậc khá rõ rệt.

- Địa hình núi chiếm khoảng 1/4 diện tích, từ biên giới Việt - Lào và kéo dài đến thành phố Đà Nẵng.

- Địa hình trung du chiếm khoảng 1/2 diện tích, độ cao phần lớn dưới 500 m, có đặc điểm chủ yếu là đỉnh rộng, sườn thoải và phần lớn là đồi bát úp, với chiều rộng vài trăm mét.

- Đồng bằng Thừa Thiên Huế điển hình cho kiểu đồng bằng mài mòn, tích tụ, có cồn cát, đầm phá. Diện tích vùng đồng bằng chiếm khoảng 1.400 km2. Tổng diện tích đất các loại cây trồng: 90.974 ha, trong đó diện tích cây hàng năm là: 44.546,67 ha; diện tích cây lâu năm: 5.343,2 ha (số liệu năm 2012).

Hệ thống Đầm phá:

- Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai trải dài 68 km thuộc địa phận năm huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, và Phú Lộc với diện tích 22.000 ha.

- Về mặt địa lý khu đầm này là bốn đầm nối nhau từ Bắc xuống Nam: Phá Tam Giang; Đầm Sam; Đầm Hà Trung-Thủy Tú; Đầm Cầu Hai.

- Phá Tam Giang chạy dài khoảng 27 km bắt đầu từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương với diện tích 5.200 ha. Phá thông với biển bằng mỗi cửa Thuận An.

- Đầm Sam nhỏ hơn với diện tích 1.620 ha, không thông ra biển.

- Đầm Hà Trung-Thủy Tú dài và hẹp với diện tích 3.600 ha cũng là đầm kín không thông ra biển.

- Đầm Cầu Hai lớn nhất với diện tích 11.200 ha. Cửa Tư Hiền thông đầm Cầu Hai với biển.

Hệ thống sông ngòi:

Tổng chiều dài sông suối và sông đào đạt tới 1.055km, tổng diện tích lưu vực tới 4.195km2. Mật độ sông suối dao động trong khoảng 0,3-1km/km2, có nơi tới 1,5-2,5 km/km2.

Trên lãnh thổ Thừa Thiên Huế từ Bắc vào Nam gặp các sông chính sau:

- Sông Ô Lâu

- Hệ thống Sông Hương

- Sông Nong

- Sông Truồi

- Sông Cầu Hai

- Sông Bù Lu

Trong đó sông Hương là con sông lớn nhất, có hai nguồn chính và đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn. Dòng chính của Tả Trạch dài khoảng 67 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực vườn quốc gia Bạch Mã chảy theo hướng tây bắc với 55 thác nước hùng vĩ, qua thị trấn Nam Đông rồi sau đó hợp lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng (khoảng 3 km về phía bắc khu vực lăng Minh Mạng). Hữu Trạch dài khoảng 60 km là nhánh phụ, chảy theo hướng bắc, qua 14 thác nguy hiểm và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Bằng Lãng, nơi hai dòng này gặp nhau và tạo nên sông Hương.Từ Bằng Lãng đến cửa sông Thuận An, sông Hương dài 33 km và chảy rất chậm (bởi vì mực nước sông không cao hơn mấy so với mực nước biển).

Ngoài các sông thiên nhiên, xung quanh thành phố Huế còn gặp nhiều sông đào như:

- Sông An Cựu (có tên là Lợi Nông) dài 27km nối sông Hương với đầm Cầu Hai ở Cống Quan thông qua sông Đại Giang;

- Sông Đông Ba dài khoảng 3km là sông đào từ cầu Gia Hội đến Bao Vinh;

- Sông Kẻ Vạn dài 5,5km nối sông Hương (cầu Bạch Hổ) với sông Bạch Yến và sông An Hòa, vòng ngoài kinh thành Huế rồi lại đổ vào sông Hương ở Bao Vinh.

Trên đồng bằng duyên hải còn có hói Bảy Xã, hói Hàng Tổng nối sông Hương với sông Bồ, hói Phát Lát, hói Như Ý, hói Chợ Mai.

Khí hậu

Khí hậu của Thừa Thiên Huế cũng khí hậu của Việt Nam đều chịu tác động phức tạp của hoàn lưu khí quyển khu vực gió mùa Đông Nam Á. Tuy nhiên do sự khác nhau về vị trí địa lý, đặc điểm địa hình mà ảnh hưởng của các trung tâm khí áp tại các tỉnh nằm ở phía Bắc cũng như phía Nam cũng không hoàn toàn giống nhau. Khí hậu miền Bắc cơ bản thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh hơn, trong khi đó khí hậu miền Nam mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với nền nhiệt độ cao và mùa mưa khác biệt mùa khô. Còn khí hậu Thừa Thiên Huế là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu  Bắc đó. Nhiệt độ trung bình cả năm 25°C. Số giờ nắng cả năm là 2000 giờ. 

Tài nguyên khoáng sản

Trên lãnh thổ Thừa Thiên Huế đã phát hiện được 120 mỏ, điểm khoáng sản với 25 loại khoáng sản, tài nguyên nước dưới đất, phân bố đều khắp, trong đó chiếm tỷ trọng đáng kể và có giá trị kinh tế là các khoáng sản phi kim loại và nhóm vật liệu xây dựng.

- Nhóm khoáng sản nhiên liệu chủ yếu là than bùn, trữ lượng các mỏ than bùn ở khu vực các trằm tại Phong Chương được đánh giá lên tới 5 triệu mét khối.

- Nhóm khoáng sản kim loại có sắt, titan, chì, kẽm, vàng, thiếc

- Nhóm khoáng sản phi kim loại và nhóm vật liệu xây dựng là các nhóm có triển vọng lớn nhất của Thừa Thiên Huế, bao gồm pyrit, phosphorit, kaolin, sét, đá granit, đá gabro, đá vôi, cuội sỏi và cát xây dựng.

- Tài nguyên nước (bao gồm cả nước nhạt và nước khoáng nóng) được phân bố tương đối đều trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng trữ lượng nước dưới đất ở các vùng đã nghiên cứu ở cấp C1 đạt gần 9.200 m3/ngày.

- Bảy nguồn nước khoáng nóng có thể sử dụng để uống và chữa bệnh (đáng chú ý nhất trong số này là ba điểm Thanh Tân, Mỹ An và A Roàng).

3. Dân cư

Tỉnh Thừa Thiên Huế có người các dân tộc thiểu số sinh sống: Bru-Vân KiềuCơ tuTà Ôi 

4. Lịch sử hình thành và phát triển

- Thời Nguyễn, Thừa Thiên là phủ. Thời thuộc Pháp được đổi thành tỉnh Thừa Thiên. Năm 1976, tỉnh Thừa Thiên sáp nhập với tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Bình Trị Thiên.

- Theo Quyết định ngày 30 tháng 6 năm 1989 tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ba tỉnh này lại được tách ra như cũ, riêng tỉnh Thừa Thiên sau khi tách thì mang tên gọi mới: Thừa Thiên Huế.

5. Tiềm năng văn hóa, du lịch

1. Bảo tàng: 

- Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh TT.Huế (Sở VHTT&DL);

- Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Trung tâm BTDTCĐ Huế);

- Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung (Sở Khoa học và Công nghệ);

- Bảo tàng Văn hóa Huế (Ủy quyền UBND thành phố Huế quản lý).

- Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu Triều Nguyễn (86 Mai Thúc Loan - Huế của Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn).

2. Nhà trưng bày: 

- Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị,

- Nhà trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng (Sở VHTT&DL);

- Nhà trưng bày nông cụ Thủy Thanh (Hương Thủy).

3. Thư viện:

- Thư viện Tổng hợp tỉnh, Thư viện 8 huyện, thị xã.

- Thư viện của khối trường học.

4. Nhà văn hóa:

a) Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh

b) Nhà văn hóa thông tin 9 huyện, thị xã, thành phố.

5. Nhà hát: 

Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (Trung tâm BTDTCĐ Huế), Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế (Sở VHTT&DL).

6. Di tích, di sản:

- Di sản văn hóa thế giới: Quần thể di tích cố đô Huế (18 di tích)

- Di tích quốc gia đặc biệt: Quần thể di tích Cố đô Huế, Hệ thống di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (qua Thừa Thiên Huế). (02)

- Di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh: có 141 di tích đã được xếp hạng, gồm: 86 di tích cấp quốc gia; 55 di tích cấp tỉnh; trong đó quần thể di tích cố đô Huế đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

- Di sản phi vật thể thế giới: Nhã nhạc cung đình Huế.   
Theo thuathienhue.gov.vn

Có thể bạn quan tâm