Quy hoạch chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh (Bài cuối)

Quy hoạch chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh (Bài cuối)
Bài cuối: Cần cơ chế quản lý phát triển đô thị “thông minh hơn”
 
Từ thực tế triển khai các dự án chống ngập
Để có thể thấy rõ yếu tố cấp bách trong việc xây dựng cơ chế quản lý đô thị hiệu quả có thể nhìn từ thực tế hiện nay về những khó khăn, bất cập trong việc triển khai các quy hoạch dự án chống ngập do mưa theo Quyết định 752 từ năm 2001 và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1547 từ năm 2008 nhằm giải quyết ngập do triều cường và điều tiết lũ thượng nguồn.
Các công trình nhà cao tầng tại khu vực Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN
Các công trình nhà cao tầng tại khu vực Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN

Theo đánh giá của các chuyên gia về môi trường, hiện nay các dự án theo các quy hoạch này triển khai rất chậm chạp. Đối với quy hoạch 752, đến nay tiến độ xây mới và cải tạo chỉ thực hiện được 2.593/6.000km hệ thống cống thoát nước các loại; công tác nạo vét, cải tạo kênh rạch chỉ thực hiện được 60,3/5.075 km…

Còn đối với quy hoạch 1547, đến nay chỉ mới xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều và xây dựng được 64/129 km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, riêng bờ tả sông Sài Gòn chỉ thực hiện được gần 0,5/20km.
 
Chính vì triển khai chậm các dự án trong hai quy hoạch nói trên đã dẫn đến chất lượng, điều kiện triển khai các giải pháp chống ngập không đáp ứng yêu cầu thực tế. Điều này có thể thấy rõ ở nhiều tuyến đường dù đã triển khai dự án chống ngập nhưng vẫn xuất hiện ngập.
 
Vấn đề này có thể dẫn chứng trong năm 2016, 2017, thành phố đã giải quyết được 15 tuyến đường gồm: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Quốc lộc 13 (đoạn qua quận Bình Thạnh), An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến Bến Phú định, quận 8)….

Tuy nhiên, do các dự án được duyệt theo tiêu chuẩn thiết kế quy định trong Quyết định 572/QĐ-TTg không còn phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu nên một số tuyến đường nói trên khi gặp mưa vượt tuần suất thiết kế vẫn xuất hiện tình trạng ngập.
 
Tiến sĩ Phan Anh Tuấn, Trung tâm điều hành chống ngập thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, theo tiêu chuẩn tính toán trước đây, thông số đầu vào để lập quy hoạch của Quyết định 752 là vũ lượng mưa tối đa trong 3 giờ là 95,91mm, đỉnh triều là + 1,32m; nhưng trong những năm qua có những trận mưa trong 60 phút đã đạt vũ lượng 100 - 202 mm và đỉnh triều có lúc đạt + 1,71m. Do đó, thông số thiết kế đã không còn phù hợp, dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư trong thời gian qua cũng trở nên quá tải.

Hiện tại thành phố cũng vừa xúc tiến việc lập quy hoạch tổng thể mới thoát nước cho thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu – nước biển dâng thay cho quy hoạch 752. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để đảm báo quy hoạch khi vừa mới ra đời sẽ kịp thời triển khai nhanh chóng mà không có “độ trễ” như việc triển khai hai quy hoạch trước đây.
 
Phát huy nguồn lực xã hội
Một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc triển khai chậm các dự án mà Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trung tâm điều hành chống ngập thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, để thực hiện hai quy hoạch nêu trên cần phải bố trí nguồn vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng bằng nguồn ngân sách và ODA nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu. Trong tương lai, nguồn vốn từ ngân sách sẽ còn hạn chế hơn và nguồn vốn ODA sẽ khó tiếp cận hơn vì điều kiện cho vay sẽ khó hơn do Việt Nam đã bước vào ngưỡng các nước có thu nhập trung bình.
Một góc khu đô thị Phú Mũ Hưng, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: Kim Phương-TTXVN
Một góc khu đô thị Phú Mũ Hưng, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
Ảnh: Kim Phương-TTXVN
 
Rõ ràng, để tạo được nguồn vốn để phát triển hệ hạ tầng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trong thời gian tới, cần tăng cường tìm kiếm nguồn vốn xã hội hóa.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng, các hình thức đầu tư cho các công trình hạ tầng thoát nước đô thị từ nguồn vốn xã hội đã được các nước trên thế giới áp dụng rộng rãi như: BOT, BTO, BT, BOO…, nhưng nước ta vẫn chưa áp dụng cách làm này do còn thiếu hành lang pháp lý, các cơ chế và chính sách phù hợp.
 
Tuy nhiên, dù có nghiên cứu ban hành các hành lang pháp lý, cơ chế và chính sách phù hợp thì trong bối cảnh thực trạng hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh cũng khó có thể thu hút nhà đầu tư tư nhân nào có thể làm được, vì đây là lĩnh vực có hiệu quả kinh tế thấp, nhiều rủi ro, khả năng thu hồi vốn kém.
 
Do đó, để thu hút được nguồn lực từ xã hội, cần thấy thêm một nguyên nhân khác khiến cho các dự án chống ngập triển khai chậm chính là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn đã gây cản trở việc triển khai các công trình bức thiết.
 
Điều này đặt ra một bài toán là làm sao tạo được sự đồng thuận cao giữa các thành phần trong xã hội, đây là yêu cầu tiên quyết nhằm giải quyết sớm các hệ quả của việc phát triển đô thị kiểu “truyền thống” lâu nay; trong đó, mục tiêu chính là phục hồi, bảo vệ các không gian mở, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị nói chung, hệ thống thoát nước nói riêng.
 
Lời giải của vấn đề này, theo Thạc sĩ Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần nghiên cứu áp dụng giải pháp “Chuyển quyền phát triển bất động sản”. Cơ chế này sẽ góp phần tạo sự đồng thuận cao giữa các thành phần trong xã hội vì nguồn lực để nhà nước đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng được thu hồi theo nguyên tắc “người hưởng lợi phải trả tiền” và những cá nhân và tổ chức sử dụng các khu đất tạo không gian mở không bị thiệt thòi.
 
“Quyền phát triển bất động sản của một lô đất có thể hiểu đơn giản là quyền được xây dựng công trình trên lô đất đó, thường được tính bằng tổng diện tích sàn xây dựng. Như vậy, chuyển quyền phát triển bất động sản là chuyển quyền được xây dựng các công trình của một lô đất đến một lô đất khác”, Thạc sĩ Phạm Trần Hải phân tích.
 
Để áp dụng vào điệu kiện đô thị thành phố Hồ Chí Minh, “quyền phát triển bất động sản” cần được tích hợp vào quy hoạch chung đô thị và chương trình phát triển đô thị; trong đó, xác định khu vực phát sinh “quyền phát triển bất động sản” là các khu vực có nhu cầu giảm tải áp lực phát triển để nâng cấp kết cấu hạ tầng, bảo vệ các không gian công cộng để giải quyết vấn đề ngập ngụt… và các khu vực được sử dụng “quyền phát triển bất động sản” là các khu đô thị mới với hạ tầng đã đồng bộ.
 
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu mô hình này được thực hiện sẽ còn góp phần hỗ trợ rất lớn cho việc ngăn ngừa tình trạng đô thị hóa tràn lan, thiếu kiểm soát vì các “quyền phát triển bất động sản” chỉ được cấp phép sử dụng trên cơ sở phù hợp với quy hoạch đô thị và các quy định kiểm soát phát triển đô thị./.
  Anh Đức
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm