Từng là cây trồng chỉ để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cây quế đã giúp bà con Lào Cai không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần tạo ra nhiều tỷ phú nông dân. Nhờ đó, quế cũng từng bước trở thành cây trồng chủ lực của Lào Cai, biến địa phương trở thành một trong những vùng trồng lớn nhất cả nước.
Thế nhưng, dù lợi ích kinh tế mà cây quế đem lại là không nhỏ nhưng cây gia vị này cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức cho phát triển bền vững.
Nhiều thách thức
Cây quế được đồng bào dân tộc Dao đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai cách đây gần 50 năm tại một số xã vùng thấp thuộc các huyện: Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng. Đến nay, cây quế đã và đang được trồng tại 100/152 xã, phường, thị trấn trong tỉnh với tổng diện tích đạt trên 53.300 ha; trong đó, vùng trọng điểm quế tại các huyện vùng thấp của tỉnh là 48.582 ha. Doanh thu từ quế toàn tỉnh đạt khoảng 760 tỷ đồng/năm...
Không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà cây quế mang lại cho người dân Lào Cai thời gian qua. Nhưng, bất chấp việc diện tích quế ngày càng được mở rộng, việc phát triển chuỗi giá trị quế vẫn được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của Lào Cai.
Hiện trên nay, trên địa bàn huyện Bảo Yên có gần 24.000 ha quế; sản lượng khai thác năm 2022 ước đạt trên 10.000 tấn vỏ tươi, 80.000 tấn cành lá, trên 75.000m3 gỗ và trên 350 tấn tinh dầu. Cây quế cho thu nhập bình quân từ 80 - 90 triệu đồng/ha. Trên địa bàn huyện hiện có 7 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế, trong đó có 6 đơn vị sản xuất chế biến tinh dầu và 1 đơn vị chế biến vỏ quế.
Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Nguyễn Anh Chuyên cho biết, hầu hết các sản phẩm chế biến từ quế trên địa bàn huyện chưa đa dạng, mới chỉ khai thác các sản phẩm phụ (cành, lá) để lấy tinh dầu trong khi giá trị của cây quế nằm ở vỏ (chiếm khoảng 80% giá trị) lại chưa được quan tâm đầu tư, khai thác. Số lượng doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư chế biến vỏ chưa nhiều. Phần lớn sản phẩm vỏ quế được bán cho các thương lái ở dạng thô, giá thấp và không ổn định.
Vừa qua, tại Ngày hội sản xuất quế hữu cơ năm 2022 tại huyện Bảo Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh Trịnh Xuân Trường nêu rõ: Những năm qua, cây quế bước đầu đem lại thu nhập khá cho nhân dân. Tuy nhiên, hiện khâu tổ chức sản xuất của ngành hàng quế và năng lực tiếp thị, tìm hiểu thị trường còn hạn chế, chuỗi cung ứng chưa được tổ chức chặt chẽ; diện tích quế hữu cơ bắt đầu phát triển nhưng còn ít, sản phẩm chưa đa dạng.
Qua việc rà soát, lấy mẫu, các chuyên gia xác định hàm lượng và chất lượng tinh dầu quế Lào Cai đứng thứ ba trong cả nước. Vậy nhưng, tinh dầu quế chủ yếu được chế biến thô, đa phần xuất sang Trung Quốc với giá trị không cao, thiếu tính bền vững. Hơn nữa, mẫu mã sản phẩm quế chưa đẹp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài; chưa có những doanh nghiệp đầu tầu trong chế biến sản phẩm quế có quy mô lớn. Bởi vậy, việc chế biến sâu các sản phẩm là yêu cầu sống còn để nâng cao giá trị cho cây quế Lào Cai.
Đặc biệt, diện tích quế phát triển nhanh dang dấy lên lo ngại về những dấu hiệu phát triển "nóng" tại Lào Cai. Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 55.000 ha quế, nhưng đến thời điểm này, diện tích quế tại địa phương đã đạt trên 53.300 ha; bình quân tăng từ 20 - 30%/năm; trong khi đó, theo các chuyên gia, thị trường sản phẩm quế mỗi năm chỉ tăng khoảng từ 8% đến 12%, khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ để lại rủi ro nếu như Lào Cai không kiểm soát tốt vùng trồng, chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mở rộng diện tích quế hữu cơ
Trước thực trạng trên, Lào Cai xác định thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Địa phương chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đem lại các sản phẩm có giá trị cao; quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa sản phẩm quế Lào Cai chiếm lĩnh thị trường cao cấp trong và ngoài nước, cần có sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị xã hội, các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân và nhân dân thực hiện thi đua sản xuất và chế biến quế theo hướng hữu cơ.
Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm quế; cần xây dựng vùng nguyên liệu quế đạt chuẩn hữu cơ phục vụ thị trường cao cấp (EU, Mỹ…), từ đó nâng cao giá trị cây quế, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Hiện, diện tích quế hữu cơ ở Lào Cai bắt đầu phát triển nhưng còn rất ít, dưới 7% tổng diện tích. Lào Cai đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 30% sản phẩm quế được công nhận hữu cơ. Trong năm 2023, địa phương sẽ kêu gọi các tổ chức nước ngoài, thu hút các doanh nghiệp phấn đấu xây dựng mới cấp chứng chỉ hữu cơ 7.500 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế phục vụ xuất khẩu. Đến năm 2030, có trên 50% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số (QRS).
Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Nguyễn Anh Chuyên cho biết, mục tiêu đến 2025, huyện Bảo Yên sẽ xây dựng vùng nguyên liệu quế với 25.000 ha; trong đó có tối thiểu 5.000 ha quế hữu cơ và đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 ha quế với 50% diện tích đạt chứng nhận hữu cơ.
Để nâng cao giá trị cây quế, huyện Bảo Yên sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào chế biến tinh, sâu các sản phẩm từ quế vỏ để khai thác tối đa giá trị của cây quế, nâng cao thu nhập cho nhân dân; thực hiện việc trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến quế theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm hữu cơ, đồng thời, không sử dụng các hóa chất, thuốc diệt cỏ và các loại thuốc bảo vệ thực vật khác. Bảo Yên coi đây là việc làm quyết định đến chất lượng sản phẩm quế, nâng cao giá trị hàng hóa, xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, để cây quế không tăng trưởng "nóng", phá vỡ quy hoạch cây trồng địa phương, Tư vấn cao cấp Dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch" (GREAT) Lê Anh Tuấn cho rằng: địa phương phải có bước đi rất thận trọng liên quan đến việc kiểm soát chất lượng vùng trồng. Để phát triển bền vững loại cây gia vị này, Lào Cai không chỉ chú trọng diện tích mà cả vấn đề phát triển theo chiều sâu, quy hoạch giống, vấn đề chất lượng, liên kết và sản phẩm chế biến thay vì chạy theo số lượng.
Mới đây, tại hội thảo khoa học bàn giải pháp phát triển quế bền vững được tổ chức tại huyện Bảo Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh trong việc kết nối, tìm kiếm thị trường; hỗ trợ nguồn lực, tài chính và hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, hỗ trợ phát triển xây dựng các chuỗi liên kết, khép kín, tuần hoàn, có giá trị gia tăng cao.
Tỉnh Lào Cai cam kết có chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi sản xuất ngành hàng quế, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư tại Lào Cai; đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển vùng trồng quế theo hướng hữu cơ, chỉ dẫn địa lý. Địa phương đảm bảo vùng nguyên liệu dồi dào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm quế của tỉnh.
Hương Thu