Cây quế giúp đồng bào xã vùng cao Nậm Đét thoát nghèo

Nhờ chăm trông quế, nhiều người Dao ở Bắc Hà, Lào Cai có cuộc sống ổn định. Ảnh :vietnamnet.vn
Nhờ chăm trông quế, nhiều người Dao ở Bắc Hà, Lào Cai có cuộc sống ổn định. Ảnh :vietnamnet.vn

Người dân trồng quế ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đang hết sức phấn khởi vì quế được giá cao nhất từ trước đến nay. Thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 đường vào xã Nậm Đét, thủ phủ trồng quế của huyện Bắc Hà luôn nhộn nhịp như ngày hội.

Cây quế giúp đồng bào xã vùng cao Nậm Đét thoát nghèo ảnh 1Nhờ chăm trông quế, nhiều người Dao ở Bắc Hà, Lào Cai có cuộc sống ổn định. Ảnh :vietnamnet.vn

Những chiếc xe tải chờ sẵn, nối đuôi nhau bốc hàng. Khắp các cánh rừng tỏa ra mùi thơm đặc trưng của quế và gương mặt những người trồng quế đều không giấu được niềm hân hoan thay vào nỗi lo lắng về dịch bệnh COVID-19 của những tháng đầu năm 2020.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà cho biết, giá vỏ quế tươi tại xã Nậm Đét đang được thu mua ở mức từ 27.000 - 32.000 đồng/kg. Riêng quế hữu cơ luôn có giá từ 31.000 - 32.000 đồng/kg, thu hoạch đến đâu có thương lái đến tận nơi thu mua đến đó. Ngoài ra, việc tiêu thụ các sản phẩm từ quế rất thuận lợi. Người trồng có thể tận thu bán vỏ và lá quế, thậm chí những thân cây quế nhỏ cũng được mua với giá ổn định.

Giá quế tại Nậm Đét đang cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Thời điểm này của năm 2019, giá vỏ quế chỉ đạt 22.000 - 23.000 đồng/kg. Giá quế trồng ở Nậm Đét cao hơn các vùng trồng khác vì theo các chuyên gia phân tích, lượng tinh dầu trong quế trồng ở Nậm Đét cao hơn và chất lượng tốt hơn. Hiện nay, xã Nậm Đét, huyện bắc Hà có gần 1.900 ha quế.

Đến xã xã Nậm Đét không khó để bắt gặp những ngôi nhà xây kiểu biệt thự 2 tầng mái thái, sân và vườn sạch sẽ, rộng rãi và không ít gia đình có ô tô đậu trước nhà. Anh Triệu Phúc Tình, một người trồng quế ở Nậm Đét cho biết, đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, cả vùng trồng quế lo lắng giá quế sẽ giảm nhưng sau đó một thời gian, quế được thu mua với giá ổn định và hiện tại lên cao nhất từ trước đến nay.

Theo người trông quế ở địa phương, cây quế do bà Triệu Mùi Pham, người dân tộc Dao đem về Nậm Đét trồng từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Trải qua nhiều giai đoạn bấp bênh, đến năm 2015, giá quế bắt đầu ổn định, cuộc sống của người trồng quế cũng khá lên từ đó. Nhiều hộ trồng quế ở Bắc Hà đã thoát nghèo, có kinh tế ổn định như gia đình anh Triệu Phúc Tình ở thôn Nậm Đét có 14 ha quế.

Ngôi nhà anh đang ở là một trong những ngôi nhà đẹp nhất thôn. Mỗi năm, rừng quế đem lại thu nhập cho gia đình từ 400 triệu đồng trở lên. Anh Tình còn mở rộng diện tích quế của gia đình sang các xã Nậm Lúc và xã Nậm Khánh.

Một điển hình khác là gia đình ông Đặng A Nhẩy ở thôn Nậm Đét có 8 ha quế, mỗi năm thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên. Trước đây, mỗi năm gia đình ông chỉ trồng 1 vụ lúa, không có nguồn thu ổn định, từ khi chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng quế đã giúp kinh tế gia đình ông Nhẩy trở thành hộ khá giả của thôn.

Hiện này người dân trồng quế ở Nậm Đét có xu hướng chuyển sang trồng quế hữu cơ vì không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, không dùng thuốc diệt cỏ mà phát nương, làm cỏ theo cách làm truyền thống. Khi thu hoạch, phơi quế phải để nơi thoáng đãng, sạch sẽ trên nền trải bạt. Ngoài ra, lý do nông dân thích trồng quế hữu cơ hơn bởi giá thu mua quế hữu cơ cao hơn sản phẩm cùng loại khác.

Xã Nậm Đét hiện có 300 ha quế hữu cơ (năm 2016 là hơn 60 ha). Niềm vui đến với người trồng quế hữu cơ là năm 2018, Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét được thành lập giúp đầu ra của quế ổn định. Việc thành lập hợp tác xã là ý tưởng của 6 người con xã Nậm Đét đau đáu với ước mơ đưa quế vươn tầm thế giới, do anh Triệu Phúc Vầy làm Giám đốc hợp tác xã.

Hợp tác xã đã liên kết với hơn 100 hộ trồng quế theo quy trình sạch và xây dựng thành công chứng nhận quế hữu cơ quốc tế - đây là giấy thông hành để quế Nậm Đét vươn tầm thế giới. Hiện sản phẩm quế của hợp tác xã xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, EU và Nhật Bản.

Các hộ trồng quế ở Nậm Đét hiện đã thay đổi phương thức sản xuất, tổ chức trồng, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm chất lượng cao để chinh phục các thị trường khó tính. Với người Nậm Đét, cây quế chính là loại cây trồng làm giàu, giảm nghèo bền vững và đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.

 Hồng Ninh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm