Quảng Ninh hướng tới trở thành trung tâm nuôi biển miền Bắc

Tỉnh Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề nuôi biển. Tỉnh đã đẩy mạnh bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả của nghề nuôi biển. Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc.

vna_potal_quang_ninh_khan_truong_khoanh_vung_dap_dich_benh_tren_tom_nuoi_6781878.jpg
Đầm nuôi tôm ở Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Quảng Ninh có đường bờ biển dài 250 km, trên 40.000 ha bãi triều, gần 19.000 ha rừng ngập mặn, 20.000 ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100 km2, 3 khu bảo tồn biển và vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài thủy hải sản có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho ngành nuôi trồng và đánh bắt phục vụ xuất khẩu, chế biến thực phẩm giá trị cao.

Huyện Tiên Yên là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế cho nghề nuôi biển, đặc biệt nuôi tôm và cua biển. Hiện trên địa bàn có hơn 1.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; trong đó, chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng, cua biển và cá.

Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: Huyện Tiên Yên sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản cả về nuôi trồng và khai thác; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường phòng, chống dịch bệnh; đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là các vùng đã có quy hoạch chi tiết.

Tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch 45.000 ha mặt nước và trở thành địa phương đầu tiên thí điểm giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân quản lý để nuôi trồng thủy sản. Việc giao cho người dân quản lý diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản sẽ giúp họ yên tâm canh tác, đầu tư ổn định và dễ quản lý, khai thác hiệu quả giá trị nghề nuôi biển.

Ông Nguyễn Mạnh Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã Mạnh Đức, huyện Vân Đồn chia sẻ, việc được cấp phép diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản là cơ hội để chúng tôi được làm chủ, được quản lý, học hỏi kinh nghiệm trong nuôi biển và tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Trong hai năm đầu thực hiện đề án nuôi biển quốc gia, tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi hơn 1 triệu phao xốp thành phao nhựa thân thiện với môi trường và thành lập mới hơn 120 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã quy hoạch 45.246 ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản. Đồng thời, tỉnh cũng phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tổ chức sản xuất hiện đại, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp thủy sản và các hình thức hợp tác, chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, tỉnh đã phê duyệt được quy hoạch vùng nuôi ở tất cả các địa phương có biển. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng bên cạnh các cơ chế hỗ trợ để thu hút đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài mang khoa học, công nghệ tiên tiến trong ngành thủy sản trên thế giới để tới Quảng Ninh. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người dân và các doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ.

Phát biểu tại hội nghị phát triển bền vững nuôi biển được tổ chức tại Quảng Ninh vào tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua để phát triển nuôi biển. Đặc biệt, Quảng Ninh đã thực hiện thay thế phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo chuyển biến đáng kể về chất lượng môi trường tự nhiên, thúc đẩy nuôi biển bền vững, xây dựng thương hiệu thủy sản Quảng Ninh với các giá trị mới.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh cần tháo gỡ một số vấn đề về phủ lõm sóng di động tại các khu vực nuôi trồng, đầu tư xây dựng cảng cá, quy hoạch vùng nuôi trai riêng, phát triển đồng bộ giữa du lịch và nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ mở rộng diện tích trồng rong sụn.

Tỉnh Quảng Ninh cũng nâng cao giá trị nghề nuôi biển song cũng đảm bảo sinh kế cho ngư dân, đồng thời phát triển nuôi biển theo hướng tiêu chuẩn sản xuất xanh, đa giá trị. Bên cạnh đó, Quảng Ninh tập trung lập lại trật tự trong nuôi biển bằng việc xử lý triệt để việc nuôi trồng trái phép, vi phạm luồng tuyến giao thông, mua bán chuyển đổi diện tích mặt biển trái phép. Tập trung kêu gọi sản xuất giống, đầu tư hạ tầng nuôi biển chung theo vùng, theo huyện để hình thành chuỗi.

Tỉnh bố trí tất cả các khu, cụm công nghiệp ven biển cho chuỗi chế biến sản phẩm. Quảng Ninh đang hoàn thiện hệ thống cảng biển chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa Vạn Ninh (thành phố Móng Cái) cho xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam đi thị trường Trung Quốc và kêu gọi đầu tư chuỗi logistic hàng không cho xuất khẩu thủy sản tươi, đông lạnh đi thị trường Đông Bắc Á, Thái Lan.

Nghề nuôi biển có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác tự nhiên, gia tăng giá trị đại dương, đa dạng sinh học, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ngành nuôi biển sẽ tạo ra không gian kinh tế mới, nguồn sinh kế mới và đa dạng sinh học.

Ngành công nghiệp nuôi biển ngày càng giữ vai trò chủ đạo, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm. Với những ý nghĩa quan trọng và các giải pháp thiết thực, trong thời gian không xa Quảng Ninh sẽ là trung tâm nuôi biển của miền Bắc và cả nước, hướng tới ngành mang lại giá trị tỷ đô.

Đức Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm