Phương pháp nội soi cắt khối tá tràng đầu tụy giúp người bệnh nhanh hồi phục

Ngày 14/2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, mới đây ông P.V.T (62 tuổi, ở Thái Bình) đến khám bệnh tại Khoa Phẫu thuật Gan mật trong tình trạng vàng da, gầy sút cân. Sau khi thăm khám, ông được chẩn đoán tắc mật do ung thư bóng Vater và được chỉ định mổ nội soi cắt khối tá tràng đầu tụy.

Phẫu thuật cắt khối tá tụy do u Vater bao gồm cắt bỏ đầu tụy, ống mật chủ, túi mật, tát ràng, quai đầu hỗng tràng, một phần của dạ dày, nạo vét hạch triệt để. Sau khi thực hiện cắt bỏ khối u cần lập lại lưu thông đường tiêu hóa thông qua ba miệng nối: tụy - ruột, mật - ruột, dạ dày - ruột. Đây là một phẫu thuật lớn, phức tạp, tỷ lệ biến chứng cao, vẫn còn là thách thức ngay cả khi mổ mở, đòi hỏi phẫu thuật viên chuyên khoa giàu kinh nghiệm, chỉ được thực hiện ở những cơ sở ngoại khoa hàng đầu.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Nam, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Gan mật cho biết: Phẫu thuật cắt khối tá tụy bằng phương pháp mổ mở sẽ để lại đường sẹo rất dài cho người bệnh từ 20 - 25cm, quá trình hồi phục sau mổ thường chậm và đau đớn cho người bệnh. Ưu điểm chính của phẫu thuật nội soi hoàn toàn là chỉ để lại 4-6 sẹo từ 0.5-1cm trên bụng, gần như không đau, thời gian hồi phục sau mổ sớm hơn. Với sự hỗ trợ của máy nội soi, phẫu thuật viên có thể nhìn rõ các cấu trúc nằm sâu trong ổ bụng mà thông thường khó nhìn thấy được, giúp quá trình cắt bỏ khối u được thuận lợi và triệt để hơn so với phẫu thuật mổ mở.

Đây là một kỹ thuật rất khó, thời gian mổ kéo dài, đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm trong mổ nội soi và phẫu thuật gan mật tụy. Có thể nói đây là một trong những phẫu thuật khó nhất trong các phẫu thuật nội soi ổ bụng.

Ekip phẫu thuật của Khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gồm 7 bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật cắt khối tá tụy nội soi một cách tỉ mỉ, cẩn thận trong hơn 8 giờ với sự hỗ trợ phương tiện hiện đại như: máy nội soi, máy cắt nối ruột, dao siêu âm; trong mổ gần như không chảy máu và tất cả các miệng nối đều được tiến hành qua nội soi. Sau mổ, diễn biến sức khỏe của ông T hoàn toàn ổn định, không có bất cứ biến chứng gì, bệnh nhân chỉ phải dùng thuốc giảm đau trong 2 ngày đầu. Bệnh nhân được ra viện sau 9 ngày phẫu thuật.

PV

Tin liên quan

Một bệnh nhân ung thư khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19

Đối với những người đang bị bệnh ung thư, việc mắc COVID-19 có thể làm gián đoạn hoạt động điều trị hoặc có thể khiến bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, đối với trường hợp một đối tượng là nam giới, 61 tuổi, đang phải vật lộn với bệnh ung thư hạch giai đoạn cuối, việc mắc COVID-19 có thể là một cơn "đột quỵ" may mắn.


Lần đầu tiên triển khai thành công kỹ thuật cắt thùy phổi nội soi một đường rạch

Ngày 6/6, Bác sỹ Ngô Gia Khánh, Phụ trách Khoa Phẫu thuật lồng ngực và Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật lồng ngực và Mạch máu, đã triển khai thành công kỹ thuật cắt thùy phổi nội soi một đường rạch cho hai bệnh nhân. Ca phẫu thuật có sự hỗ trợ của Bác sỹ Diego Gonzaler Rivas, chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật lồng ngực, người khai sinh ra phương pháp cắt thùy phổi nội soi một đường rạch.



Đề xuất