Xác định Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế trọng điểm, không chỉ gắn với xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân ở Phú Thọ.
Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP thì vẫn có những địa phương đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm OCOP.
Còn nhiều khó khăn
Trên thực tế tại Phú Thọ, việc khó khăn trong phát triển mới sản phẩm OCOP xuất phát từ các ý tưởng mới có quy mô nhỏ lẻ, khả năng phát triển sản phẩm và cung ứng ra thị trường không lớn; trong khi đó, việc đánh giá lại và nâng sao sản phẩm OCOP lại gặp khó do tiêu chuẩn đánh giá giai đoạn mới khắt khe hơn giai đoạn trước, kinh phí đánh giá và hoàn thiện sản phẩm lớn khiến nhiều chủ thể của sản phẩm không mặn mà.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ phát triển mới, đánh giá lại, nâng sao sản phẩm OCOP chưa đủ sức hấp dẫn các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn chia sẻ, sản xuất nông nghiệp của xã còn theo kiểu mỗi gia đình một thế mạnh. Nhìn ra cánh đồng, cây trồng, nào lúa, khoai, sắn, rau, mía… thứ gì cũng có nhưng để thống kê xem có sản phẩm nông nghiệp nào đặc hữu, có quy mô lớn thì vẫn chưa có.
Ngoài ra, diện tích manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, khả năng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài.
Để có thể xây dựng thành công đặc sản địa phương của xã thành sản phẩm OCOP, thời gian tới, xã Giáp Lai sẽ tập trung xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của địa phương. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất, thành lập tổ hợp tác liên kết đưa sản phẩm ra thị trường.
Một thực tế không thể phủ nhận đó là, việc tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp nhiều địa phương cơ sở có thêm ngành ghề mới, tạo công việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Kỷ, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ong xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa cho hay, được thành lập từ năm 2010 nhưng không được nhiều người biết đến.
Năm 2020, sau khi sản phẩm mật ong Hương ngàn Đất Tổ được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, được giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ xúc tiến thương mại, các siêu thị trong và ngoài tỉnh thì điều kiện kinh tế của người nuôi ong mới khấm khá hơn. Đặc biệt, người nuôi ong không còn bị động trong sản xuất, kinh doanh mà đã chú ý đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Giá mật ong bồ đề được tổ hợp tác bán với giá giao động từ 150 - 200 nghìn đồng/lít tùy thời điểm, thị trường tiêu thụ khá ổn định nên đã giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Văn Thanh Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hạ Hòa cho biết, Hạ Hòa hiện có 12 sản phẩm đăng ký và được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, có bốn sản phẩm mới được bổ sung trong năm nay gồm: bí xanh Văn Lang, Dưa lê Hàn Biển Xanh, Bí vua Hàn Quốc và Dưa leo Biển Xanh.
Đây đều là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương, có chất lượng, mẫu mã đạt từ hạng 3 sao trở lên, đáp ứng tốt các nhu cầu thị trường và có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP của huyện Hạ Hòa còn gặp nhiều khó khăn do sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên địa bàn ít, sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, ứng dụng vào sản xuất còn hạn chế, sản phẩm OCOP chỉ tập trung khai thác ở lĩnh vực nông nghiệp nên hiệu quả kinh tế chưa cao…
Quá trình nâng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu nhưng không phải bắt buộc với các chủ thể. Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm 4 sao... Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn, khi mức độ 5 sao là do Hội đồng Trung ương xét, công nhận…
Cần được “gỡ” khó
Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Nhờ đó, đến nay Phú Thọ có 105 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó, 35 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn về vốn, mặt bằng mở rộng sản xuất, ứng dụng vào sản xuất còn hạn chế… thì việc xét duyệt quá trình nâng hạng sao gặp không ít khó khăn cần được tháo gỡ.
Ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn chia sẻ, trong quá trình triển khai xây dựng OCOP gặp nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu các sản phẩm OCOP của huyện chưa tạo thành hàng hóa tập trung; quy trình chăm sóc, thâm canh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh chưa đồng bộ; chất lượng mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều.
Để khắc phục những khó khăn, xây dựng được thị trường đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP, cần thực hiện các giải pháp chiến lược, đồng bộ. Đối với các chủ thể cần bỏ tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng.
Các ngành chức năng cần làm tốt công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP. Đồng thời, sớm hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường; thực hiện mối liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị; phát triển đa dạng các kênh phân phối, đưa sản phẩm OCOP vươn xa…
Ông Văn Thanh Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hạ Hòa cho biết, để phát triển sản phẩm OCOP huyện đã và đang tiếp tục triển khai một số điểm trưng bày, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm ở một số khu, điểm du lịch như Khu Di tích lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ, Đầm Ao Châu…
Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia Hội chợ làng nghề, các hội chợ trong và ngoài tỉnh kết hợp thúc đẩy giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử… Tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ để các sản phẩm OCOP của huyện sẽ được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Phú Thọ cho hay, trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ phải chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo quy định.
Đồng thời, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung triển khai lồng ghép các chính sách của tỉnh, địa phương để hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trao đổi, thông tin kết nối với các thị trường ngoài tỉnh.
Đối với những đơn vị, cá nhân đã có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao muốn tăng lên 4 sao hoặc từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao, ngành nông nghiệp sẽ rà soát, thẩm định theo theo tiêu chuẩn mới, đồng thời hướng dẫn các đơn vị tập hợp hồ sơ tạo điều điện tốt nhất cho các đơn vị thực hiện theo đúng quy định, lộ trình kế hoạch đề ra…
Song song với đó là công tác truyền thông cần đi trước một bước. Làm sao khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, của cộng đồng địa phương để bảo tồn, phát triển sản phẩm đó. Làm sao để các cơ quan quản lý nhà nước thấy trách nhiệm của mình trong triển khai mỗi xã một sản phẩm. Bên cạnh đó, việc tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp đặc biệt quan trọng giúp cho sản phẩm OCOP tồn tại và phát triển bền vững.
Tạ Văn Toàn