Theo Cục Bảo vệ thực vật, do thời tiết thuận lợi, trời nhiều mây, ẩm độ không khí cao nên nhiều đối tượng sinh vật dịch hại trên lúa tiếp tục phát sinh gây hại trên các trà lúa Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc. Các tỉnh cần tăng cường điều tra phát hiện dự tính dự báo và theo dõi chặt các đối tượng sinh vật gây hại chính trên lúa; tổ chức phòng trừ kịp thời ở những nơi có mật độ sâu, tỷ lệ hại cao, khi còn trên diện hẹp.
Đối tượng dịch hại cần đặc biệt chú ý như: bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, ốc bươu vàng, chuột…
Hiện bệnh đạo ôn lá đang gây nhiễm 7.297 ha; trong đó, nhiễm nặng 255 ha; mất trắng 17 ha ở Nghệ An. Phân bố chủ yếu tại các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị…
Bệnh đạo ôn cổ bông đang nhiễm 2.191 ha; trong đó, nhiễm nặng 9 ha. Phân bố chủ yếu tại các tỉnh Khánh Hoà, Bình Định, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang…Diện tích lúa bị rầy hại 6.190 ha; trong đó, nhiễm nặng 45 ha, chủ yếu tại các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hoà, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam; bọ phấn trắng hại 3.693 ha; trong đó nhiễm nặng 10 ha. Mật độ phổ biến từ 2.000 – 4.000 con/m2, nơi cao trên 6.000 con/m2. Phân bố chủ yếu tại các tỉnh Bạc Liêu, Long An, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp…
Diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ 2.078 ha; trong đó nhiễm nặng 50 ha; phòng trừ trong kỳ 1.037 ha. Phân bố chủ yếu tại các tỉnh: Khánh Hoà, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bạc Liêu. Bệnh đen lép hạt với diện tích nhiễm 6.574 ha; bệnh bạc lá với diện tích nhiễm 4.188 ha…
Đặc biệt, ốc bươu vàng đang gây hại 6.548 ha; trong đó nhiễm nặng 87 ha và phân bố chủ yếu tại các tỉnh Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Chuột gây hại 9.375 ha; trong đó nhiễm nặng 445 ha và phân bố chủ yếu tại các tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà…
Trước tình hình chuột hại cây trồng trong vài năm gần đây có xu hướng gia tăng, không chỉ ở miền Bắc mà còn cả nước, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long khi không có lũ thì chuột phát sinh gây hại nhiều. Không chỉ gây hại cây lúa, chuột còn hại nhiều cây trồng nên mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt.
Hàng năm, có khoảng 60.000 ha lúa và nhiều diện tích cây trồng khác bị chuột gây hại. Mặc dù có ít diện tích mất trắng, nhưng có nhiều diện tích phải gieo cấy lại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch diệt chuột hàng năm để bảo vệ sản xuất với các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình canh tác, đặc điểm địa hình, kinh tế xã hội ở địa phương.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện ở các tỉnh phía Bắc lúa chủ yếu đang giai đoạn đẻ nhánh. Nổi lên hai đối tượng sinh vật gây hại ở thời điểm này là ốc bươu vàng và chuột. Để phòng chống chuột thì phải triển khai trên quy mô lớn, đồng loạt và đúng thời điểm. Dù một số địa phương hàng năm có kinh phí để tổ chức diệt chuột nhưng vẫn không có hiệu quả cao do không làm trên diện rộng và đồng loạt.
Hiện các tỉnh Bắc Bộ đã gieo cấy lúa Xuân được 663.328 ha, đạt 94,5% so với kế hoạch; các tỉnh Bắc Trung Bộ đã gieo cấy được 347.177 ha, đạt 100,4 % so với kế hoạch.
Bích Hồng