Vụ Đông Xuân năm nay tại Bình Định diễn ra trong tình hình thời tiết bất lợi. Từ đầu năm đến nay đã có nhiều đợt mưa lạnh, làm xuất hiện một số dịch hại trên cây lúa. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đang chủ động các biện pháp phòng trừ sâu hại, đồng thời thực hiện kế hoạch tích nước ở các hồ chứa để đảm bảo cấp đủ nước tưới cho cây lúa.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định, hiện nay cây lúa trồng trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022 trên địa bàn đang vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Đây là một trong những mốc thời gian quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Tuy nhiên, dịch hại, sâu bệnh đã xuất hiện ở một số nơi; trong đó, chuột gây hại rải rác trên các trà lúa từ đẻ nhánh đến làm đòng, tỷ lệ hại cục bộ 5%, chủ yếu ở các huyện Hoài Ân, huyện Tây Sơn, huyện Tuy Phước và thị xã Hoại Nhơn; bệnh đậu ôn lá xuất hiện, gây hại với tử lệ từ 5-15%; bệnh rầy nâu cũng phát sinh cục bộ với mật độ từ 1.000-2.000 con/m2 ở một số địa phương.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định cho biết, ngay từ đầu vụ Đông Xuân, Chi cục lên kế hoạch dự báo tình hình sinh vật gây hại cây trồng, trong đó tập trung vào cây lúa. Chi cục cử cán bộ tăng cường công tác điều tra, phát hiện dịch hại, kết hợp theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cơ cấu giống, lịch thời vụ để dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, mức độ gây hại của các đối tượng dịch hại chính trên cây lúa.
Qua kiểm tra thực tế, ở một số địa phương đã ghi nhận tình trạng xuất hiện rầy nâu, bệnh đạo ôn. Tuy nhiên, tình hình dịch hại ở mức thấp, trong tầm kiểm soát và mức độ gây hại thấp hơn rất nhiều so với mọi năm. Ngoài ra, nhờ thăm đồng thường xuyên, phát hiện kịp thời, Chi cục đã có khuyến cáo đến các địa phương, phối hợp trong công tác phòng chống sâu bệnh, dịch hại, đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Kiều Văn Cang cho biết thêm, về lâu dài, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Định sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trong đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, việc phòng trừ dịch hại sẽ thực hiện bằng biện pháp sinh học thông qua chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) hay sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP)…
Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, toàn tỉnh Bình Định gieo sạ trên 47.000 ha lúa. Thời điểm này, cây lúa cần được cung cấp đầy đủ nước, dinh dưỡng để đảm bảo quá trình sinh trưởng và phát triển.
Theo Chi cục Thủy lợi Bình Định, từ đầu năm, Chi cục đã phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định và các địa phương xây dựng kế hoạch tưới, tiêu phù hợp; chủ động trong công tác quản lý, vận hành tích nước tại các hồ chứa hợp lý để bảo đảm nước tưới cho cây lúa vụ Đông Xuân.
Toàn tỉnh hiện có 163 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, hệ thống này đã tích được 98,7% dung tích thiết kế, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng nước đã tích tại các hồ chứa, các đập dâng, trạm bơm đảm bảo cung cấp cho sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Ngoài ra, người dân cũng tận dụng nguồn nước sẵn có tại các ao hồ, sông suối để phục vụ sản xuất.
Theo ông Lê Xuân Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, cùng với việc điều tiết nguồn nước đảm bảo cho cây lúa, Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện kiên cố hóa kênh mương nội đồng; tổ chức nạo vét luồng lạch, vệ sinh, khơi thông cầu cống để đưa nước đảm bảo về các chân ruộng.
Tường Quân