Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang trong giai đoạn chuyển mùa với khí hậu biễn biến phức tạp, điều này tạo điều kiện thuận lợi phát sinh một số loại sâu bệnh hại lúa, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Nhằm bảo vệ cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và bội thu mùa vụ, người dân Lai Châu đang tập trung chăm sóc, phòng, trừ các loại sâu bệnh hại lúa.
Dọc trên các cánh đồng của tỉnh Lai Châu, thời gian này bà con nông dân ai cũng tập trung ra ruộng lúa để chăm sóc và diệt trừ các loại sâu bệnh hại. Gia đình chị Dì Thị Mý ở bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường (Lai Châu) gieo cấy 2 sào lúa Đông Xuân. Ngay từ trước đầu vụ, gia đình chị đã làm đất rất kỹ, gieo cấy đúng kỹ thuật và lịch thời vụ. Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị làm đòng, nên chị Mý tích cực thăm đồng thường xuyên để làm cỏ và kịp thời phát hiện sâu bệnh nhằm đảm bảo cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Chị Dì Thị Mý, bản Lở Thàng 2, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường chia sẻ, gia đình chị có 2 sào lúa giống Điện Biên. Hiện nay, cây lúa đang sinh trưởng và phát triển bình thường. Tuy nhiên, trên ruộng lại rất nhiều rầy nên chị ra thăm đồng thường xuyên và phun thuốc rầy để cho cây sinh trưởng tốt. Mong muốn năm nay thời tiết thuận lợi đem lại nhiều thóc cho gia đình.
Vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh Lai Châu gieo cấy 6.784 ha; trong đó cấy 5.500 ha, gieo thẳng 1.284 ha. Các địa phương đã kết thúc gieo cấy vào cuối tháng 2/2023 và đảm bảo theo khung thời vụ theo kế hoạch. Đến nay, cây lúa sinh trưởng, phát triển bình thường, đang trong giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh. Tuy nhiên, hiện thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa với diễn biến bất thường, trước tình hình đó, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố chủ động trong sản xuất, giám sát diễn biến tình hình sinh vật hại lúa ngay từ đầu vụ; triển khai các biện pháp phòng trừ kịp thời không để phát sinh trên diện rộng. Đối với những diện tích thiếu nước gieo cấy, từ đầu vụ các huyện đã chủ động chỉ đạo người dân chuyển sang trồng các cây khác phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.
Hiện nay, tổng số diện tích lúa nhiễm sâu bệnh hại trên địa bàn tỉnh Lai Châu là hơn 50 ha, chủ yếu là do ốc biêu vàng, bệnh đạo ôn lá, bệnh vàng lá SL, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh đốm nâu. Căn cứ vào diễn biến thời tiết, khí hậu, tình hình dịch hại phát sinh từ đầu vụ, dự báo tháng 4, tháng 5 là cao điểm các đối tượng dịch bệnh gây hại vụ Đông Xuân. Đặc biệt, trong cuối tháng 4, đầu tháng 5 bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông, tập đoàn rầy gây hại mạnh trên trà chính vụ và trà xuân muộn; nhất là trong tháng 5 khi lúa bắt đầu trỗ bông, chín, rầy nâu có thể hại mạnh nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây cháy chòm ổ. Đối với các giống đặc sản như Tẻ Râu, Séng Cù, trên những ruộng xanh tốt, bón thừa đạm hoặc đã phòng trừ chưa dứt điểm, bệnh sẽ phát sinh gây hại mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh hại, cán bộ chuyên môn của ngành nông nghiệp Lai Châu đang tiếp tục theo dõi, nắm tình hình và đẩy mạnh việc khuyến khích người dân tích cực chăm sóc, cũng như phòng, sâu bệnh. Anh Đào Công Tuân, Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lai Châu cho biết, là cán bộ chuyên môn, anh thường xuyên xuống thăm đồng và phối hợp cùng cán bộ khuyến nông các huyện, thị trấn tìm hiểu, xác định rõ từng loại sâu bệnh để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời và đảm bảo đúng thuốc, đúng liều lượng. Mặt khác, khuyến cáo bà con trong thời điểm tháng 4, 5 không chủ quan và thường xuyên thăm đồng để phòng, chống sâu bệnh hại lúa, bảo đảm mùa vụ.
Bà Trương Thị Nhàn, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lai Châu cho hay, thời gian tới dịch bệnh hại trên lúa Đông Xuân tiếp tục diễn biến thất thường, chi cục đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tại các huyện và thành phố theo dõi, dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn, tuyên truyền nông dân sử dụng đúng các loại thuốc đã hướng dẫn để phòng trừ có hiệu quả. Ngoài chỉ đạo sát sao của tỉnh, huyện và hướng dẫn, đôn đốc của cán bộ chuyên môn thì bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng kịp thời phát hiện sâu bệnh hại để có hướng chăm sóc, phòng trừ, trị bệnh kịp thời, hiệu quả, đảm bảo cho diện tích lúa phát triển ổn định.
Nguyễn Oanh