Nông dân huyện Tân Hiệp phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho những trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN |
Theo đó, trên đồng ruộng Kiên Giang đang xuất hiện đợt rầy cám nở rộ, có thể gây cháy rầy cục bộ một số nơi trên trà lúa Đông Xuân giai đoạn đòng trổ, nhất là những ruộng gieo trồng giống nhiễm, sạ dày, bón dư phân đạm. Đây là giai đoạn rầy có mật số rất cao, cần theo dõi chặt chẽ để chủ động phòng trị kịp thời, tránh thiệt hại diện rộng. Cùng với đó, căn cứ vào tình hình thời tiết, giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và phát sinh, phát triển của các đối tượng dịch hại trên đồng ruộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang còn dự báo tình hình dịch hại trong thời gian tới trên đồng đất Kiên Giang. Hiện nay thời tiết se lạnh, sáng sớm có sương mù là điều kiện phù hợp cho bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông phát sinh, phát triển, nhất là trên những ruộng lúa trồng giống nhiễm, sạ dày, bón dư phân đạm. Tiếp đến là các bệnh như: lem lép hạt, cháy bìa lá, muỗi hành, sâu đục thân, đốm sọc vi khuẩn… Vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019, tỉnh Kiên Giang gieo sạ 289.112 ha, vượt 4.112 ha so với kế hoạch. Đến nay, đã thu hoạch hơn 22.500 ha, tập trung ở các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Minh, Gò Quao, Kiên Lương, Châu Thành, Giang Thành, An Biên và thành phố Rạch Giá. Tuy nhiên, tổng diện tích bị sâu bệnh gây hại trên lúa Đông Xuân 2018 - 2019 hiện nay khoảng 26.750 ha. Các đối tượng gây hại chủ yếu gồm: rầy nâu nhiễm hơn 13.000 ha, mật độ 750 - 3.000 con/m². Hiện, trên đồng ruộng đang có đợt rầy cám nở rộ, phổ biến từ tuổi 1 - 3 và một số rầy trưởng thành, đặc biệt có hiện tượng gối lứa rầy trên đồng, xuất hiện ở các huyện như: Giồng Riềng, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành và Giang Thành, chủ yếu trên lúa giai đoạn đòng trỗ và trỗ chín. Ngoài ra, có cháy rầy cục bộ rãi rác, cháy chòm trên diện tích 4 ha ở hai xã Ngọc Hòa và Bàn Thạch của huyện Giồng Riềng. Tiếp đến, bệnh đạo ôn diện tích nhiễm hơn 8.000, xuất hiện ở các huyện Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao, Kiên Lương, Tân Hiệp, Châu Thành và các bệnh khác như: đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá, sâu cuốn lá, rầy phấn trắng… Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa. Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện, xã phối hợp với bà con nông dân tăng cường thăm đồng thường xuyên nhằm sớm phát hiện dịch hại và có biện pháp phòng trị kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, đối với rầy nâu, tăng cường điều tra, phát hiện và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời để bảo vệ năng suất, không để rầy nâu bùng phát gây “cháy rầy” trên diện rộng; hướng dẫn nông dân sử dụng biện pháp “4 đúng” trong phòng trị rầy nâu.
Lê Huy Hải