Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ XI

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết, tại phiên họp này, Hội đồng Dân tộc thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện chính sách dân tộc và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; báo cáo hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XIII. Hội đồng Dân tộc sẽ thảo luận và phối hợp thẩm tra nhiều dự án luật quan trọng sẽ được trình và thảo luận tại Kỳ họp 9 của Quốc hội như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Luật trưng cầu dân ý... 

Báo cáo trước Hội đồng Dân tộc về tình hình thực hiện chính sách dân tộc và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Sơn Phước Hoan cho biết, năm 2015, một số chính sách dân tộc hết hiệu lực nhưng mục tiêu chưa hoàn thành, đối tượng thụ hưởng còn lớn; vốn cấp năm 2015 chỉ đạt 32%. 
Một trong những nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc được nêu ra là do nội dung một số chính sách còn trùng lắp về địa bàn và đối tượng thụ hưởng; mục tiêu của chính sách thường lớn, thời gian thực hiện ngắn và nguồn lực không đảm bảo nên một số chính sách đạt hiệu quả thấp. Có chính sách định mức thấp, thời gian thực hiện kéo dài nên khó khăn trong triển khai thực hiện. Cơ chế thực hiện chính sách còn nhiều bất cập. Từng chương trình, chính sách đều có cơ chế quản lý, thanh quyết toán riêng biệt nên khó lồng ghép thực hiện tại địa phương... 

Ủy viên Hội đồng Dân tộc Chu Lê Chinh nêu một thực tế, hiện hệ thống chính sách cho đồng bào dân tộc rất nhiều nhưng hiệu quả thấp; có những chính sách đã ban hành nhưng không có nguồn lực để triển khai thực hiện. Công tác quản lý nhà nước bị phân tán, nhiều đầu mối dẫn đến hiệu quả chưa cao. Theo đại biểu, chất lượng nguồn cán bộ làm công tác dân tộc cần được quan tâm bởi đây là khâu then chốt để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc. 
Cho rằng nhiều chính sách nhưng không thực hiện được sẽ dẫn đến mất niềm tin trong đồng bào, đại biểu Võ Thị Dung đề nghị Uỷ ban Dân tộc cần khẩn trương rà soát hệ thống các văn bản chính sách dân tộc, nội dung nào trùng lặp, chồng chéo cần phải gộp lại để đảm bảo các chính sách dân tộc được ban hành đi vào cuộc sống. Bên cạnh việc quan tâm tới phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc, đại biểu Trương Thị Huệ và nhiều ý kiến khác đề nghị cần có sự quan tâm thích đáng tới việc chăm lo gìn giữ bản sắc dân tộc. 
Nhiều ý kiến trong Hội đồng Dân tộc tán thành với đề xuất của Uỷ ban Dân tộc, trong đó hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn tới theo hướng đa mục tiêu, giảm đầu mối văn bản quản lý; giảm cho không, tăng cho vay; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương để phù hợp với điều kiện của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, tập trung ưu tiên các địa bàn đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa... 
Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị Ủy ban Dân tộc cần phối hợp rà soát lại các cơ chế, chính sách dân tộc hiện có để hạn chế việc trùng chéo trong triển khai thực hiện; cần làm rõ mối quan hệ giữa Ủy ban Dân tộc với các cơ quan chủ trì triển khai các chính sách về dân tộc và mối quan hệ giữa các bộ, ngành trong triển khai thực hiện. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị trong xây dựng chính sách cần nghiên cứu những chính sách tác động để đồng bào các dân tộc tự vươn lên, thúc đẩy nguồn lực nội sinh trong đồng bào cáo dân tộc…./. 


Quỳnh Hoa 

Có thể bạn quan tâm