Nhân 45 năm Thống nhất đất nước:

Phi đội Quyết Thắng và trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất - Bài 2

Phi đội Quyết Thắng và trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất - Bài 2
Bài 2: Cấp tập “học” chuyển loại máy bay
Chuẩn bị gấp rút
Đầu tháng 4/1975, Trung úy Phạm Chu Hải (cán bộ kỹ thuật phục vụ Phi đội Quyết Thắng anh hùng, về hưu năm 2001 với quân hàm Thượng tá) cùng Nhóm công tác đặc biệt (gồm 4 kỹ sư kỹ thuật không quân) nhận nhiệm vụ đi gấp vào miền Nam, đến Trường Huấn luyện Không quân Nha Trang của Việt Nam Cộng hòa vừa giải phóng để nghiên cứu sử dụng các máy bay địch chiến lợi phẩm (chủ yếu là F5 và A-37), để có thể sẽ sử dụng khi cần thiết. 
Một trong 5 chiếc máy bay A-37 của Phi đội Quyết Thắng, do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu, ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (Bảo tàng Quân khu 7). Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Một trong 5 chiếc máy bay A-37 của Phi đội Quyết Thắng, do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đầu, ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (Bảo tàng Quân khu 7). Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Ông Phạm Chu Hải nhớ lại: “Chỉ huy nhắc đi nhắc lại đây là nhiệm vụ tuyệt đối bí mật... Ngày 5/4/1975, chúng tôi từ Sơn Trà về Sân bay Đà Nẵng bằng xe GMC chiến lợi phẩm, cũng là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn ở khoảng cách gần một chiếc UH-1 còn nguyên vẹn đỗ trên đường băng sân bay Đà Nẵng”.
 
Sau đó, mất hai ngày để từ Đà Nẵng vào thành phố Nha Trang và tìm đến sân bay Nha Trang (cũng là Trường Huấn luyện không quân Nha Trang của Việt Nam Cộng hòa). Nhóm kỹ thuật rất thất vọng vì đó chỉ là một sân bay Nha Trang tan hoang, vắng lặng, hậu quả từ sự cướp phá của đám tàn quân ngụy trên đường di tản.
 
Tôi và cậu Chạp lái xe, lựa chọn, tháo gỡ thiết bị các xe ô tô bị bắn, phá còn nằm lỏng chỏng trên sân bay, có được chiếc Dodge-100 tạm ổn để sử dụng. Suốt hai ngày sau là công tác trinh sát, kiểm tra, sau đó tập trung tìm kiếm tài liệu trong tình huống cảnh giác cao độ, vừa lục tìm tài liệu vừa sẵn sàng chiến đấu. Tìm được một số tài liệu kỹ thuật, trong đó có tài liệu về vũ khí trang bị trên F5, A-37 hoàn toàn bằng hình vẽ”, ông Phạm Chu Hải nhớ lại.
 
Số tài liệu kỹ thuật này cùng hệ thống máy bay chiến lợi phẩm còn sót lại tại sân bay Nha Trang đã giúp các cán bộ kỹ thuật nghiên cứu, thực hành. Sau một thời gian, tất cả cơ bản nắm bắt được kỹ thuật.
 
Ngày 19/4/1975, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội và Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị sẵn sàng lực lượng không quân tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
 
Bộ Tư lệnh quyết định chọn các phi công MiG-17 để chuyển loại sang bay A-37 trong thời gian ngắn nhất. Sư đoàn 371 đã tuyển chọn các phi công MiG-17 ưu tú ở Đại đội 4, Trung đoàn 923, đó là các phi công giỏi và nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu như Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng…
 
Về máy bay, Quân chủng quyết định sử dụng số máy bay A-37 thu được của không quân ngụy, nhanh chóng phục hồi để đưa vào làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ bảo đảm công tác kỹ thuật, phục hồi đưa vào sử dụng máy bay A-37 được giao cho Thiếu tá Hồ Thanh Minh, Phó phòng Kỹ thuật Sư đoàn 371. Phi công Nguyễn Văn Thọ, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 923 được giao nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại máy bay A-37 cho các phi công chỉ trong vòng 5 ngày trở lại.
 
Ngày 20/4, các phi công được đưa vào sân bay Đà Nẵng để tổ chức huấn luyện chuyển loại trong vòng 5 ngày. Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri cũng giới thiệu hai người là Nguyễn Văn Xanh và Trần Văn On, hai phi công hàng binh của quân ngụy. Đây là hai phi công rất giỏi lái loại máy bay A-37, trong đó Nguyễn Văn Xanh đã có trên 800 lần/chuyến A-37 ném bom trước đây. Có thêm 2 phi công giỏi lái loại máy bay A-37 và nói tiếng Anh thông thạo là thuận lợi cho công việc đang đòi hỏi thời gian rất gấp.
 
Ngày 24/4, chỉ sau 2 ngày huấn luyện, phi công Từ Để đã bay chuyến bay đầu tiên. Ngày hôm sau, các phi công Nguyễn Văn Lục, Hoàng Mai Vượng, Hán Văn Quảng, Trần Cao Thăng bay tập thành công. Ngày 26/4, Bộ Tư lệnh điều phi công Nguyễn Thành Trung ra Đà Nẵng tăng cường cho phi đội, chuẩn bị cho nhiệm vụ.
 
Nhớ về thời kỳ đó, Phi công Nguyễn Văn On cho biết: “Trong quá trình làm việc cùng các phi công chuyển loại máy bay A-37, các anh ấy đều là những người có kinh nghiệm bay, nên cũng không có nhiều khó khăn. Việc cất cánh, hạ cánh đều có nguyên tắc giống nhau và các anh ấy đều rất thuần thục. Chỉ có một chút khác biệt là hệ thống điều khiển bằng tiếng Anh và một số chi tiết kỹ thuật giữa máy bay Mỹ và máy bay Liên Xô, Trung Quốc, nên tôi phải hướng dẫn các anh ấy. Cũng chỉ bỡ ngỡ chút ban đầu, sau đó là mọi người đều có thể thực  hành rất thuần thục”.
 
Về lý do thành công chuyển loại “thần tốc” chỉ trong 5 ngày, Phi đội trưởng Phi đội Quyết Thắng Nguyễn Văn Lục cho rằng, nhóm phi công được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ ném bom Tân Sơn Nhất là những người có kinh nghiệm bay lão luyện, có thể nói là những người giỏi nhất của Trung đoàn, đó là phi đội 4, tiền thân là Đại đội 4, Trung đoàn 392 Không quân. Phi đội này là đơn vị duy nhất của lực lượng Không quân Việt Nam được tuyên dương Anh hùng 3 lần. 
 
Trưa gắn bom, chiều ném
Ngày 26/4, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hồng Nhị (lúc đó là Sư đoàn phó - kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn), bay từ miền Bắc vào trực tiếp chuẩn bị cho trận tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Sư đoàn phó Nguyễn Hồng Nhị  gặp nhóm cán bộ kỹ thuật của Trung úy Chu Hải hỏi han về quá trình nghiên cứu, yêu cầu trưa mai có mặt tại sân bay Thành Sơn (căn cứ không quân Phan Rang), chuẩn bị bom đạn cho 5 chiếc A-37 sẵn sàng làm nhiệm vụ, rồi lên đường vào Phù Cát (Bình Định).
 
Khoảng 5 giờ sáng 27/4/1975, nhóm bốn sĩ quan kỹ sư (gồm Vũ Đình Lầu, Phạm Chu Hải, Lê Hải và Trần Thanh Tường cùng lái xe), lên đường vào Thành Sơn gặp bộ phận tiếp quản sân bay Thành Sơn. Lúc đó Sân bay Thành Sơn khá vắng vẻ. Kho bom đặt trong lòng núi, đủ loại bom, cây mọc um tùm, hoang vắng. Nhóm lái xe vào kho bom, trực tiếp vào kiểm tra, lựa chọn bom, thiết bị đi kèm cho đồng bộ.
 
“Đến 8 giờ ngày 28/4, toàn bộ bom được đưa ra gần đường băng, cạnh sân đỗ máy bay lắp bom. Lúc đó trên sân đỗ lắp bom có một chiếc A-37 đã lắp bom, một số xe nâng bom MJ1, nhưng tôi không biết sử dụng, nên chuẩn bị sẵn kế hoạch sẽ lắp bom bằng tay, vì về kỹ thuật không khác nhiều so với máy bay IL-28, MiG-17, An-2 đã từng làm nhiều lần”, Thượng tá Chu Hải nhớ lại.
 
Gần giờ trưa, sân bay Thành Sơn đón chiếc Mi6 chở “Tổ đặc nhiệm” kỹ thuật lấy máy bay địch đánh địch  của Thiếu tá Hồ Thanh Minh (sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Quản lý khoa học kỹ thuật - Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng), Thượng úy Nguyễn Văn Soạn cùng một số chỉ huy không quân và một nhóm 9-10 người thuộc đội ngũ kỹ thuật thu dung của Việt Nam Cộng hòa.
 
Trưa 28/4, 5 chiếc A-37 của Phi đội Quyết Thắng mang số hiệu 920, 921, 413, 415 và 955)  hạ cánh, ông Phạm Chu Hải cùng đội kỹ thuật thu dung “kiểm tra lần bay tiếp” các máy bay, đặc biệt là hệ thống điều khiển vũ khí (bom, đạn) trên máy bay. Sau khi kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, tiếp dầu, Nhóm của ông  Phạm Chu Hải cùng nhóm kỹ thuật thu dung lắp 4 quả bom MK-81 lên mỗi máy bay bằng xe nâng bom, lắp bom MJ1. Ông Phạm Chu Hải cùng Trung úy Nguyễn Đình Thủy (sau này là Đại tá) trực tiếp kiểm tra những máy bay đã lắp bom xong như kiểm tra hệ thống đồng trục, độ “zơ” của bom với giá lắp treo bom, kiểm tra việc lắp kíp bom.
 
Sau đó, các phi công kiểm tra, nhận máy bay để sẵn sàng làm nhiệm vụ trong chiều 28/4. Và buổi chiều lịch sử đó đã thành công vang dội, tạo “cú đấm” trực diện vào sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đó, lực lượng kỹ thuật vừa vui mừng với thắng lợi, vừa bắt tay ngay vào chuẩn bị cho trận ném bom tiếp theo. “Khi đón Phi đội Quyết Thắng trở về, chúng tôi xử lý hai trái bom còn chưa ném trên máy bay của anh Lục và nhận lệnh chuẩn bị bom cho đợt tấn công lần hai dự kiến vào sáng 29/4. Tôi đưa Trung úy Nguyễn Đình Thủy và một số kỹ thuật thu dung vào hầm bom, nhưng chưa chuyển bom ra thì được báo sẽ không diễn ra trận tấn công ngày 29/4, vì bộ binh đã áp sát các mục tiêu”, Thượng tá Phạm Chu Hải nhớ lại.
 
Câu chuyện về lực lượng “hậu cần” cho Phi đội cũng được mô tả chi tiết, đầy cảm xúc trong cuộn băng ghi âm “Trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất”. Khi các phi công rời đất, mất hút vào mây mưa tối đen, ông Phạm Chu Hải và các anh em kỹ thuật cứ thần người ra, lòng như lửa đốt.

Băng ghi âm vang lên giọng nói bồn chồn của người tường thuật tại sân bay Thành Sơn: “Mọi người có mặt tại sân bay lúc này đang hồi hộp chờ đợi phi đội xuất kích trở về... Bây giờ là 18 giờ 30 phút. Đây rồi! Trên bầu trời từ xa, chúng tôi thấy xuất hiện 2 chiếc A-37 đầu tiên bật đèn đỏ xin hạ cánh. Cả sân bay chúng tôi đang hướng về phía đường băng. Tiếng động cơ đã vang trên bầu trời sân bay...  Kìa, chiếc thứ ba cũng đã về! Kia nữa, chúng tôi đã thấy 2 chiếc cuối cùng đang nối tiếp nhau bay về. Thế là toàn Phi đội Quyết Thắng đã trở về đầy đủ”.
 
Vậy là chỉ trong vòng chưa đầy một tháng thu giữ được “chiến lợi phẩm” A-37 của địch, Quân ta đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tác chiến để đánh sân bay Tân Sơn Nhất và có được thành công mỹ mãn. Trận không kích Sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết thắng đã làm nên một chiến công oanh liệt của binh chủng không quân, giúp đẩy nhanh sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, góp phần đi đến thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/4/1975. (còn tiếp)
 Tiến Lực - Xuân Khu
 Bài 3: Những người hùng thầm lặng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm