Ứng dụng công nghệ cao trong canh tác hồ tiêu trên vùng núi cao Hà Tiên. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN |
Đến với xã Thuận Yên là địa phương phát triển nghề trồng hồ tiêu mạnh nhất của thành phố Hà Tiên trong tiết trời se lạnh, hình ảnh đầu tiên bắt gặp là những trụ hồ tiêu trồng trên từng khoảnh đất theo từng bậc được kè đá cao khoảng 1-1,5m trên núi xanh mỡ màng vươn mình đón nắng và gió biển mới thấy hết được hiệu quả cũng như tiềm năng của cây trồng này. Chia sẻ về việc phát triển vườn hồ tiêu của gia đình, ông Ong Vĩnh Kim, ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên phấn khởi, trồng hồ tiêu là nghề gia truyền không chỉ của riêng gia đình mà còn của nhiều hộ khác ở Thuận Yên. Năm 1984, gia đình ông cải tạo khu đất và trồng mới hồ tiêu, đến năm 1987 cho hoạch và phát triển đến nay. Ông Kim cho biết, cây hồ tiêu phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất Hà Tiên, nhất là trên núi với đặc điểm là đất sỏi như ở Thuận Yên, loại đất ít giữ nước. Nhiều cây hồ tiêu ở Thuận Yên có tuổi đời từ 50 - 70 năm. Hồ tiêu thường được thu hoạch sau Tết Nguyên đán, sau đó, người trồng hồ tiêu Hà Tiên chỉ cần làm lại vườn, vun xới cho đất tơi xốp rồi bón phân trước khi đón những cơn mưa đầu mùa vào khoảng tháng 3, tháng 4 là công việc chăm sóc gần như hoàn tất.
Sản phẩm Tiêu đen Hoàng Dũ, xã Thuận Yên, thành phố Hà Tiên. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN |
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, vài năm trước đây, nông dân trồng hồ tiêu ở Hà Tiên gặp khó khăn trong canh tác. Sản lượng hàng năm bấp bênh, thiếu ổn định. Trước thực tế trên, từ năm 2016, Phòng Kinh tế thành phố Hà Tiên phối hợp với Trạm Khuyến nông và Uỷ ban nhân dân xã Thuận Yên xây dựng kế hoạch, triển khai mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho các hộ nông dân trồng hồ tiêu. Ông Lý Thái Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Hà Tiên cho biết, mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho hồ tiêu trồng trên núi đạt hiệu quả cao. Hàng năm, sản lượng hồ tiêu Hà Tiên duy trì ổn định ở mức 150 tấn cung cấp ra thị trường. Đơn vị phối hợp hộ nông dân xây dựng nhãn hiệu tập thể - thương hiệu hồ tiêu Hà Tiên từ năm 2017 với trên 50 hộ tham gia. Hồ tiêu Hà Tiên hiện cung ứng sản phẩm qua các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Tiên, Rạch Giá, bước đầu đảm bảo đầu ra cho các hộ nông dân, mang lại thu nhập cao. Cũng là một trong những người áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt đầu tiên, ông Ong Vĩnh Kim cho biết, thông thường, gia đình thu 1,2 - 1,3 kg/trụ. Sau khi áp dụng mô hình, sản lượng hồ tiêu tăng lên bình quân 1,7 - 2 kg/trụ. Với 1.400 trụ trồng hồ tiêu trên núi Nhọn, mỗi năm gia đình ông Kim thu khoảng từ 3 - 4 tấn hồ tiêu, lợi nhuận bình quân 150 - 200 triệu đồng/năm.
Mô hình tưới nhỏ giọt trên hồ tiêu ở xã Thuận Yên. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN |
Gia đình anh Ngô Hoàng Dũ, ấp Số Ảo, xã Thuận Yên tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu có sẵn đã đăng ký sở hữu thương hiệu tiêu Hoàng Dũ, chủ động phân phối ra thị trường. Anh Dũ cho biết, gia đình có ba đời trồng hồ tiêu và hiện có hơn 1.000 trụ. Ngoài nguồn hồ tiêu của gia đình, cơ sở tiêu Hoàng Dũ thu mua của hộ gia đình trong vùng để sản xuất sản phẩm hồ tiêu sạch với quy trình khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm hồ tiêu Hoàng Dũ hiện có 4 loại: tiêu chín, tiêu đen, tiêu sọ, tiêu xay với giá từ 70.000 - 120.000 đồng/500gr. Anh Dũ chia sẻ, hồ tiêu Hà Tiên bé hạt so với hồ tiêu trồng ở các vùng khác nhưng do điều kiện canh tác trên núi cao, khí hậu phù hợp nên hồ tiêu Hà Tiên có hương vị đặc biệt, thơm, cay nồng đặc trưng. Thực tế, hồ tiêu Hà Tiên tuy đăng ký thương hiệu nhưng bước đầu gặp khó trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Với những ưu thế riêng biệt, ông Ong Vĩnh Kim, anh Ngô Hoàng Dũ cũng như nhiều hộ nông dân trồng hồ tiêu khác mong sản phẩm hồ tiêu Hà Tiên được quảng bá để nhiều người tiêu dùng biết đến, mở rộng thị trường, giúp nông dân trồng hồ tiêu Hà Tiên cải thiện đời sống và phát triển nghề.
Hồng Đạt