* Liên kết để tận dụng lợi thế Tháng 3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 333/QĐ-TTg về việc thí điểm thành lập Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), với hai thành viên ban đầu gồm Công viên hiện tại (gọi tắt QTSC 1) và Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Chuỗi QTSC là tổ chức liên kết giữa Công viên phần mềm Quang Trung với các khu công nghệ thông tin tập trung, khu phần mềm, trung tâm công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ảnh minh họa- TTXVN |
Mục tiêu cụ thể của Chuỗi đến năm 2020, sẽ có ít nhất 4 thành viên, trong đó ngoài hai thành viên ban đầu, sẽ thêm QTSC 2 (tại Thành phố Hồ Chí Minh) và QTSC Đà Lạt. Điều này nhằm thừa hưởng các nguồn lực, thương hiệu đã được QTSC xây dựng hơn 15 năm qua, Chính phủ cho phép thành lập chuỗi liên kết, tạo thành chuỗi trọng điểm quốc gia. Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, hiện QTSC đã bước đầu hình thành được những yếu tố tiên quyết để xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp công nghệ thông tin đúng nghĩa, có tính cộng hưởng, cộng sinh lẫn nhau rất cao giữa các yếu tố môi trường xanh thân thiện và bền vững, hạ tầng kỹ thuật mạnh, hệ thống dịch vụ phát triển, các cơ sở đào tạo và ươm tạo, một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin sống động. Theo tính toán, năng suất lao động tại Công viên phần mềm Quang Trung là 404 triệu đồng/lao động/năm, tương đương 17.970 USD/lao động/năm. Bình quân 1 ha đất dành cho hoạt động phát triển phần mềm tại đây tạo ra là 1.250 tỷ đồng (tương đương 55,56 triệu USD); ước tính cứ 1 USD đầu tư cho hạ tầng từ ngân sách thành phố thu hút được 32,64 USD vốn của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Rõ ràng hiệu quả đầu tư cho lĩnh vực phần mềm rất cao. Về điểm này, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung chia sẻ thêm, xây dựng Chuỗi không phải mới so với quốc tế, vì nó sẽ tạo cú hích cho các địa phương với quy mô nhỏ hơn có thể tham gia để thúc đẩy, đưa hình ảnh công nghệ thông tin Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên, cần phân khúc rõ như QTSC 1 chủ yếu là gia công phần mềm; QTSC 2 là sản xuất công nghiệp phần cứng; trong khi QTSC Đà Lạt sẽ tập trung cho nông nghiệp. Điều này sẽ mang lại hiệu quả thực tế và phát huy thế mạnh của từng khu. Từ những kinh nghiệm tại Ấn Độ và Philippines, ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc TMA Solutions đánh giá cao định hướng hình thành chuỗi khu công nghệ thông tin tập trung trong nước, đồng thời cho rằng, nếu hình thành chuỗi thì quy mô mới tăng lên được, chứ tự mỗi khu thu hút, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài là rất khó. Do vậy, cùng phối hợp thay vì cạnh tranh với nhau để phát triển.
Các cá nhân và đại diện các đơn vị đoạt giải thuộc nhóm “Đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT Thành phố” tại lễ trao giải ICT AWARDS 2016. Ảnh: Thế Anh-TTXVN |
* Tháo gỡ rào cản từ chính sách Dù đã phát triển và đạt nhiều thành tựu trong hơn 15 năm xây dựng và phát triển, nhưng một số hạn chế khiến Công viên phần mềm Quang Trung chưa khẳng định được vai trò đột phá chiến lược trong phát triển ngành cũng như thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các ngành khác của Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sức hút nguồn nhân lực giỏi còn hạn chế nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút một số tập đoàn công nghệ thông tin lớn hàng đầu thế giới có ý định đầu tư tại đây. Điều này dẫn đến hệ quả tốc độ tăng trưởng chưa mang tính đột phá. Đây là hạn chế cần rất nhiều thời gian để khắc phục. Nhiều doanh nghiệp hoạt động tại QTSC cũng đánh giá, nguyên nhân hạn chế thu hút đầu tư là do QTSC chưa tạo được cơ sở hạ tầng hiện đại ngang tầm quốc tế (bao gồm hạ tầng trong và ngoài khu kết nối đồng bộ với nhau), đủ điều kiện thu hút các công ty phần mềm lớn trên thế giới và trong nước đến làm việc và kinh doanh. Môi trường dịch vụ phục vụ nhu cầu sống và làm việc lâu dài của nhân lực học tập và làm việc tại khu vực công viên chưa đáp ứng nhu cầu thu hút nguồn nhân lực tài năng, cao cấp yên tâm đến làm việc lâu dài, từ đó hạn chế tốc độ phát triển của các doanh nghiệp. Việc Khu công viên phần mềm Quang Trung ở vị trí xa trung tâm thành phố cũng ảnh hưởng khá lớn đến thu hút đầu tư. Ông Lê Quốc Cường cho rằng, khi phát triển Chuỗi (nhất là QTSC 2), cần ưu tiên bố trí quỹ đất có vị trí địa lý thuận lợi, diện tích đủ lớn cho xây dựng và phát triển công viên phần mềm. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông qua các chính sách về đầu tư kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố và các hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thực tế, nhiều chuyên gia đánh giá, chính sách phát triển, ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư lĩnh vực này có sức mạnh thu hút đầu tư cao trong những năm đầu, nhưng càng về sau chính sách được phổ cập cho toàn ngành nên không còn sự khác biệt nhiều về chính sách giữa trong và ngoài khu nên yếu tố chính sách không còn nhiều lợi thế. Lý do chính để nhà đầu tư vào khu là vì tiếp cận hạ tầng và có cộng đồng để kết nối cùng phát triển. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Chi, Đại diện Công ty TNHH một thành viên Hanel (Chủ đầu tư Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội), đối với khu công nghệ thông tin tập trung, ngoài hạ tầng kỹ thuật hiện đại còn phải có hạ tầng dịch vụ đầy đủ và đáp ứng điều kiện môi trường sinh thái để có thể thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Cùng quan điểm này, ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Global CyberSoft đề xuất: Về lâu dài, khu công nghệ thông tin tập trung cần kết nối với các tuyến metro; hỗ trợ thành lập, đầu tư, ưu đãi và khuyến khích các trung tâm đào tạo ngay trong công viên. Về chính sách nhà nước, hiện các doanh nghiệp trong khu tập trung không có điểm khác biệt so với doanh nghiệp ngoài khu nên cần xem xét. Ở góc độ thu hút nhân lực, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thuế thu nhập cá nhân có yếu tố quan trọng như có chính sách ưu tiên giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho lao động làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như vậy mới có nét đặc thù thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Lệ Chi cho rằng, để các khu thành công, ngoài các chính sách hỗ trợ hạ tầng trong và ngoài hàng rào, chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân được xem là ưu tiên số một. Theo bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ chia sẻ vấn đề về thuế thu nhập cá nhân cho những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng muốn áp dụng phải sửa luật, điều này cần phải có trong lộ trình xây dựng văn bản pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ để phản ánh vấn đề này. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghệ thông tin thời gian tới, ông Ngô Văn Toàn đề xuất: Khi đầu tư khu công nghệ thông tin tập trung không nên xây dựng theo mô hình Ban quản lý mà nên là mô hình công ty dịch vụ. Bởi các công ty làm theo định hướng là công ty dịch vụ, trách nhiệm và năng động cao hơn rất nhiều, thuận lợi hơn trong triển khai thu hút đầu tư, phát triển khu./.
(Tiếp theo và hết)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN