Phát huy hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách trong xóa đói, giảm nghèo ở Tây Ninh

Phát huy hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách trong xóa đói, giảm nghèo ở Tây Ninh

Loay hoay với đủ thứ nghề, làm cả những công việc nặng nhọc như phụ hồ, nhưng đời sống kinh tế gia đình vẫn không khá lên được, khi sức khỏe đã đi xuống ngược chiều với tuổi tác, anh Đặng Minh Dũng (ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, Tây Ninh) quyết định chuyển đổi nghề. Tìm hiểu, lựa chọn, anh đi đến quyết định chuyển sang chăn nuôi dê, vừa không nặng nhọc, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc "vắt sức" phụ hồ.

Phát huy hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách trong xóa đói, giảm nghèo ở Tây Ninh ảnh 1Anh Đặng Minh Dũng (trái) và Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Trần Thanh Sơn (phải) tham quan đàn dê của gia đình ông Dũng. Ảnh: baotayninh.vn

Từ hai con dê ban đầu, với số tiền 40 triệu đồng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay thông qua nguồn vốn giải quyết việc, anh Đặng Minh Dũng đầu tư mở rộng đàn dê. Đến nay, anh đã có tổng đàn gần 50 con dê, tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Dũng chia sẻ, nuôi dê không khó, không mất nhiều công chăm sóc và không tốn nhiều chi phí cho thức ăn vì chủ yếu nuôi bằng các loại cỏ, lá, nhưng phải thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh.

Câu chuyện thoát nghèo của hộ ông Phạm Văn Út (ấp Hòa Hợp, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành) cũng là một điển hình trong việc sử dụng hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách. Thu nhập của gia đình ông trước đây chủ yếu đến từ vài công ruộng sản xuất một vụ lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ và đi làm thuê nên cái nghèo mãi đeo bám.

Năm 2009, ông Phạm Văn Út được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành giải ngân cho vay 17 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Từ nguồn vốn này, ông mua 2 con bò sinh sản và đầu tư xây dựng chuồng trại. Chỉ hai năm sau, ông đã có trong tay đàn bò 5 con.

Đàn bò ngày một sinh sôi. Những con đẹp ông giữ lại làm bò giống sinh sản, số còn lại bán để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Hơn chục năm qua, riêng từ bán bò, gia đình ông thu được trên 500 triệu đồng. Đến nay, đàn bò của gia đình có tổng số 20 con, ước tính tổng trị giá 200 triệu đồng. Chăm chỉ làm ăn, vừa đi làm thuê, vừa phát triển chăn nuôi bò, gia đình bớt khó khăn, năm 2012, ông Út đã làm đơn xin thoát nghèo. Không những thế, ông còn mua được thêm 0,5ha đất để phục vụ sản xuất của gia đình, cuộc sống ổn định, có của ăn, của để.

Gia đình ông Dũng, ông Út chỉ là hai trong số hàng trăm nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống, giúp nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Có 23 năm được tín nhiệm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Đinh Ngọc Sơn ở khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh chia sẻ, khu phố 4 có 666 hộ, đa số đều sinh sống bằng nghề nông, kinh doanh dịch vụ và buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, do tác động của kinh tế thị trường cũng như nông nghiệp gặp nhiều rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh, đời sống nhân dân nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm vượt khó của bà con nơi đây, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con được tiếp cận với nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ cấp trên, trong đó phải kể đến đồng vốn của Chính phủ cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là một cầu nối tín dụng chính sách thiết thực, hiệu quả nhất.

Từ nguồn vốn chính sách, người dân đầu tư chăn nuôi, mở rộng dịch vụ ngành nghề phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho gia đình, điển hình như: hộ bà Lê Thị Thích, năm 2021 vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm mua 2 con trâu giống. Trâu phát triển tốt, bà đã tiếp tục nâng phương án vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng mô hình chăn nuôi bò, góp phần cải thiện cuộc sống. Hay hộ bà Văn Thị Điệp, năm 2018 vay chương trình hộ cận nghèo 50 triệu đồng, mua 3 con bò giống. Hiện nay bò phát triển tốt, đã sinh sản, góp phần vào việc phát triển kinh tế gia đình.

Theo Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh Đào Anh Tuấn, đến hết tháng 7/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.551 tỷ đồng, với 114.516 hộ đang còn dư nợ, chiếm 35,63% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giúp trên 140 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

"Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn", ông Tuấn nói.

Mới đây, ngày 23/9, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với UBND phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh đã tổ chức giải ngân vốn cho 100 hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với tổng kinh phí 3,9 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong đó, có 80 hộ được giải ngân vốn học sinh sinh viên, mỗi hộ 40 triệu đồng; 10 hộ được giải ngân vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, mỗi hộ 20 triệu đồng; 10 hộ được giải ngân vốn giải quyết việc làm, mỗi hộ được giải ngân 50 triệu đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo của tỉnh với những con số ấn tượng: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,65% vào cuối năm 2021 xuống còn 0,32% vào cuối năm 2022; hộ cận nghèo từ 1,18% vào cuối năm 2021 xuống còn 0,77% vào cuối năm 2022.

Ông Đào Anh Tuấn cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 625/KH-UBND của UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, tập trung rà soát chỉ tiêu các chương trình tín dụng đang thực hiện, chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các đơn vị liên quan tích cực giải ngân các chương trình theo kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2023. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm