Hiệu quả vốn tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn tại huyện Yên Sơn

Hiệu quả vốn tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn tại huyện Yên Sơn

Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Yên Sơn đã thực hiện hiệu quả giải pháp cho vay qua tổ vay vốn, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân để đầu tư phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, cùng địa phương hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Hiệu quả vốn tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn tại huyện Yên Sơn ảnh 1Người dân đến giao dịch tại chi nhánh ngân hàng Agribank Yên Sơn, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Ảnh: Văn Thưởng

Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Vân, xã Chiêu Yên được thành lập từ năm 2019, có 9 thành viên, hoạt động chính là trồng cây ăn quả; chăn nuôi trâu bò sinh sản và thương phẩm với quy mô ban đầu là 25 con. Năm 2021, Hợp tác xã được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Yên Sơn với số tiền 2,6 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay các thành viên trong HTX đã đầu tư chăm sóc tốt 17 ha diện tích cây cam, bưởi; xây dựng chuồng trại, mở rộng chăn nuôi, luôn duy trì trên dưới 100 con trâu bò,... Nhờ vậy, nguồn thu nhập của các thành viên trong trong HTX đã tăng lên từng năm và trả dần vốn vay cho ngân hàng, hiện nay HTX chỉ còn dư nợ 1,8 tỷ đồng.

Những năm qua, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong lĩnh vực “tam nông”, Agribank huyện Yên Sơn đã chủ động tham mưu, phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương triển khai mạnh mẽ, kịp thời các chương trình cho vay theo Nghị quyết của HĐND tỉnh như: Triển khai nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 03 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; Nghị quyết 12 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết 05 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh tuyên quang, Nghị quyết 20 vay vốn xây dựng hầm bể biogas… đồng thời phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể tại địa phương, tạo được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong vay vốn hoạt động kinh doanh.

Bà Nguyễn Minh Phượng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Yên Sơn cho biết: Trong những năm qua Agribank Yên Sơn đã góp sức cùng toàn hệ thống chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, tạo vốn đầu tư, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân; góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, ổn định các vấn đề kinh tế, xã hội ở khu vực nông thôn. Ngân hàng luôn bám sát địa bàn hoạt động, định hướng phát triển kinh tế hằng năm của địa phương để triển khai cho vay phù hợp. Trong đó, tập trung đầu tư tín dụng các dự án phát triển kinh tế nông nghiệp, các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao.

Hiệu quả vốn tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn tại huyện Yên Sơn ảnh 2Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Vân, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi trâu bò sinh sản và thương phẩm. Ảnh: Văn Thưởng

Hiện nay, tổng dư nợ của ngân hàng trên địa bàn đạt gần 342 tỷ đồng, trong đó dư nợ đối với khách hàng HTX, trang trại, chăn nuôi trâu bò, chuyển hóa rừng, cho vay biogas là gần 23 tỷ 500 triệu đồng. Thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, Chi nhánh đã thành lập các tổ, nhóm cho vay để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, là cầu nối giữa ngân hàng với người nông dân, góp phần chuyển tải dòng vốn ưu đãi đến tận tay người nông dân kịp thời và hiệu quả. Đơn vị cũng chú trọng đầu tư cho doanh nghiệp, hộ gia đình, ưu tiên ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân...

Với nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể của Agribank Yên Sơn như: tạo mọi điều kiện và tiện ích cho khách hàng, đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ vay vốn, thay đổi phong cách phục vụ nhằm mục tiêu huy động tối đa nguồn vốn từ các tầng lớp nhân dân, nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần giảm nghèo trên địa bàn".

Văn Thưởng

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm