Giảm nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách (Bài 1)

Thanh niên Trần Sáng, dân tộc Khmer, ấp Tú Điền, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề vay vốn chương trình giải quyết việc làm để đầu tư nuôi lợn rừng, cải tạo vườn trồng cây ăn quả, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Thanh niên Trần Sáng, dân tộc Khmer, ấp Tú Điền, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề vay vốn chương trình giải quyết việc làm để đầu tư nuôi lợn rừng, cải tạo vườn trồng cây ăn quả, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ trong việc giảm nghèo tại Đồng bằng sông Cửu Long đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành công cụ hữu hiệu góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nguồn vốn này cũng góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương, cải thiện đời sống nhân dân tại vùng sâu, vùng xa, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bài 1: Hiệu quả thiết thực

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành công cụ, giải pháp có tính lâu dài, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu Quốc gia cũng như các chương trình, kế hoạch, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong từng giai đoạn, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, đồng thời góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, "tín dụng đen", đặc biệt là ở vùng nông thôn…

Giảm nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách (Bài 1) ảnh 1Gia đình bà Phạm Thị Tư ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp thoát nghèo với nghề nuôi bò từ nguồn vốn vay của Ngân hành chính sách xã hội. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Đòn bẩy thoát nghèo

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 78/2002 của Chính phủ về tín dụng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng, điểm sáng trong giảm nghèo bền vững. Chính sách tín dụng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế và đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tạo nguồn lực cho các địa phương.

Qua 9 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn; trong đó, tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.

Các địa phương đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, chính quyền các cấp, nhất là sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ biết cách làm ăn, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng, qua 9 năm thực hiện, tỉnh đã giúp trên 377.700 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay hơn 8.800 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 4.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh mở rộng cuộc vận động "Vì người nghèo", các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp chuyển các nguồn vốn nhàn rỗi từ các nguồn quỹ chưa sử dụng gửi vào Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội với số dư tiền gửi tiết kiệm đạt gần 170 tỷ đồng.

Điển hình vươn lên thoát nghèo từ chính sách tín dụng ưu đãi, gia đình anh Trần Sáng (dân tộc Khmer, ngụ ấp Tú Điền, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề) trước kia chỉ sống bằng nghề làm thuê, chi tiêu trong gia đình "thiếu trước hụt sau". Từ khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng, anh Sáng đã đầu tư chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh có 5 con bò, mỗi năm thu lãi khoảng 60 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng rau sạch. Cuộc sống của gia đình đã đổi thay, đã trả hết nợ vay ngân hàng và anh còn đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.

Giảm nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách (Bài 1) ảnh 2Thanh niên Trần Sáng, dân tộc Khmer, ấp Tú Điền, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề vay vốn chương trình giải quyết việc làm để đầu tư nuôi lợn rừng, cải tạo vườn trồng cây ăn quả, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Truy Phong (xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách) nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay chính sách 50 triệu đồng từ năm 2018 để trồng cây chôm chôm. Sau 3 năm trở lại đây, cây bắt đầu cho thu hoạch, đời sống gia đình khấm khá hơn trước, trung bình thu nhập từ vườn cây ăn trái hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ cộng với nghị lực của bản thân nên gia đình anh đã vươn lên khá giàu.

Tại Tiền Giang, qua 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và gần 2 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 311.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trên 54.300 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giúp tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn trên 1%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn hơn 2% theo tiêu chuẩn đa chiều mới.

Một số điển hình về thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách tín dụng như hộ ông Phan Bá Duy (ấp Mỹ Phú, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè) đã thoát diện hộ nghèo nhờ vào số vốn vay 30 triệu đồng để chăm sóc vườn sầu riêng và 20 triệu đồng cho sinh viên vay để nuôi con học đại học. Hay như hộ ông Châu Văn Sáu (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy) vay chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 100 triệu đồng để nuôi bò và dê sinh sản, hiện gia đình ông đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững…

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của chính sách tín dụng, nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả được phát triển trên địa bàn tỉnh như: mô hình đan lát ở xã Thân Cửu Nghĩa, mô hình dệt chiếu ở xã Long Định), mô hình nuôi gà, chim cút, cá ở xã Lương Hòa Lạc, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo…

Giảm nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách (Bài 1) ảnh 3Nhờ nguồn vốn vay, ông Lê Văn Tư (xã Thuận An, thị xã Bình Minh) có điều kiện nâng cao thu nhập và thoát nghèo. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, mức cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, học tập của người dân. Thời hạn vay vốn cũng còn chưa phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất kinh doanh của người vay vốn.

Cùng đó, việc điều tra, xác nhận đối tượng vay vốn ở một số địa phương chưa được quan tâm rà soát và bổ sung kịp thời. Chất lượng tín dụng chính sách cũng còn chưa đồng đều giữa các địa phương. Việc thực hiện hoạt động ủy thác đối với các tổ chức chính trị - xã hội tại một số địa phương còn chưa hiệu quả, chặt chẽ. Hạ tầng và nguồn nhân lực công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghệ thông tin của ngành ngân hàng và chiến lược chuyển đổi số quốc gia…

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cũng nhận định nguồn vốn huy động của ngân hàng vẫn thiếu tính ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng Nhà nước và nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trong khi lãi suất huy động tiền gửi thường cao hơn các nguồn huy động khác.

Một trong những khó khăn nữa đó là chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ và nguyên tắc xác định nguồn vốn chủ đạo, phù hợp với đặc thù tín dụng chính sách xã hội. Hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh khống chế tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn hàng năm theo quy định. Mặt khác, do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nên Ngân hàng Chính sách xã hội khó tiếp cận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ...

Ở góc độ địa phương, tại Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết nguồn lực để thực hiện một số chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của các đối tượng chính sách, nhất là nhu cầu vốn giải quyết việc làm. Do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội còn ít.

Tại một số địa phương, nhiều xã trước đây thuộc vùng khó khăn do đạt chuẩn nông thôn mới, chuyển thành xã khu vực I nên không được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn, dẫn đến người dân sinh sống trên địa bàn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025).

Hộ gia đình có mức sống trung bình làm nghề nông nghiệp là rất lớn song chưa có chính sách tín dụng ưu đãi cho nhóm đối tượng này trong khi nhóm đối tượng này còn khó tiếp cận tín dụng thương mại, dẫn đến kết quả giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương chưa thực sự bền vững… (Xem tiếp Bài 2: Cộng đồng chung tay, góp sức)

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm