Giảm nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách (Bài cuối)

Triển khai các chương trình tín dụng cho bà con hộ nghèo, gia đình chính sách tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN
Triển khai các chương trình tín dụng cho bà con hộ nghèo, gia đình chính sách tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Bài 2 (Bài cuối): Cộng đồng chung tay, góp sức

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, góp phần thay đổi cơ bản nhận thức có vay, có trả, sử dụng vốn có hiệu quả, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, thời gian tới, các địa phương cần huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách về giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách (Bài cuối) ảnh 1Có thêm nguồn vốn ưu đãi, Tổ hợp tác Chí Công ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, chuyên sản xuất đồ dùng từ cây lục bình có điều kiện mở rộng sản xuất, thu hút hàng trăm lao động nông nhàn trong khu vực. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm

Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện các nguồn lực của Nhà nước còn nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cần tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm", "Trung ương và địa phương cùng làm", đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ngân hàng Chính sách xã hội cần rà soát, đánh giá để đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp theo hướng tăng định mức và mở rộng đối tượng được vay. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đối tượng vốn vay cần hướng đến các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và thực hiện tốt an sinh xã hội…

Tại Hậu Giang, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bùi Văn Thuấn cho biết, tỉnh tăng cường tham mưu trong việc kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, các ngành, nhất là sự giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay để đảm bảo mục tiêu "Tăng cường dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách".

Cùng đó, tỉnh tích cực huy động các nguồn lực thực hiện cuộc vận động "Vì người nghèo" để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân, nhằm bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc lồng ghép thực hiện tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tranh thủ các nguồn vốn ủy thác từ địa phương; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ nhằm đem lại lợi ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Đối với Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, để quản lý và phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, địa phương đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Giảm nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách (Bài cuối) ảnh 2Triển khai các chương trình tín dụng cho bà con hộ nghèo, gia đình chính sách tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Tỉnh thực hiện nghiêm túc việc thống kê, rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn làm cơ sở cho vay kịp thời, đúng đối tượng, đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xác nhận đối tượng được vay vốn; thường xuyên chỉ đạo bình xét cho vay kết hợp với củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại cơ sở.

Sóc Trăng còn gắn kết các chương trình tín dụng chính sách xã hội với hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm giúp hộ vay, nhân dân trên địa bàn sử dụng vốn vay có hiệu quả nâng cao thu nhập, ổn định đời sống đảm bảo an sinh xã hội.

Tăng nguồn vốn tín dụng

Ở góc độ địa phương, theo bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh bổ sung vốn ủy thác 300 tỷ đồng (100 tỷ đồng/năm); đồng thời phấn đấu đến năm 2025 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt khoảng 400 tỷ đồng và tiến tới đạt bình quân cả nước vào năm 2030.

Để thực hiện đạt mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu xây dựng đề án, lộ trình cụ thể (mỗi năm tăng khoảng 100 tỷ đồng), tập trung ủy thác vốn cho vay giải quyết việc làm để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bến Tre cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, tạo điều kiện cho các đối tượng này có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Đồng thời, nâng mức cho vay đối với chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với hộ gia đình từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ mà không phải thế chấp tài sản; nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng/công trình để phù hợp với giá trị xây dựng của thị trường, đảm bảo đáp ứng chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình đảm bảo chất lượng; bổ sung nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm cho Bến Tre...

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh sẽ tăng cường việc chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Địa phương sẽ cân đối, bố trí ngân sách địa phương bổ sung uỷ thác tối thiểu 15% tổng nguồn vốn tăng trưởng tín dụng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay; phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác chiếm 15%/tổng nguồn vốn.

Cùng đó, tỉnh kiến nghị kiến nghị với bộ, ngành Trung ương bổ sung đối tượng hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo được tiếp tục thụ hưởng chính sách tín dụng; nâng mức cho vay tối đa đối với các chương trình như, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình tăng lên 20 triệu đồng/công trình; bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Ngoài ra, Sóc Trăng cũng kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quan tâm giao bổ sung nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách cho tỉnh Sóc Trăng hàng năm tăng trưởng từ 10 - 15%, trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển các khu công nghiệp. (Hết)

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm