Phát hiện tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới ở Indonesia

Trên trần của một hang động đá vôi thuộc đảo Sulawesi của Indonesia, các nhà khoa học đã phát hiện một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mô tả 3 nhân vật có hình dáng giống con người đang tương tác với một con lợn rừng. Đây là bức tranh hang động được xác định có niên đại lâu đời nhất thế giới, cách đây ít nhất 51.200 năm.

Theo nghiên cứu được công bố ngày 3/7 trên tạp chí Nature, bức tranh mới được phát hiện nằm bên trong hang Leang Karampuang, thuộc vùng Maros-Pangkep, tỉnh Nam Sulawesi. Để xác định độ tuổi tối thiểu của bức tranh, các nhà nghiên cứu đã sử dụng tia laser để xác định niên đại của một loại tinh thể canxi cacbonat hình thành tự nhiên trên bề mặt tác phẩm này.

Chuyên gia khảo cổ học Maxime Aubert tại Đại học Griffith (Australia), một trong những trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, phương pháp này là một cải tiến vượt bậc so với các phương pháp trước đây, hứa hẹn sẽ cách mạng hóa việc xác định niên đại nghệ thuật trên đá trên toàn thế giới.

Bức tranh trong hang được sơn màu đỏ sẫm, khắc họa nổi bật hình ảnh một con lợn rừng có kích thước 92 cm x 38 cm bên cạnh 3 nhân vật nhỏ hơn có hình dáng giống người. Ngoài ra, trong hang cũng có nhiều hình khắc lợn khác. Các nhà khoa học tin rằng đây là một cảnh kể chuyện, có thể là bằng chứng cổ nhất về nghệ thuật kể chuyện trên thế giới.

Nhà khảo cổ học Adam Brumm tại Đại học Griffith (Australia), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết rõ ràng có sự liên kết giữa 3 hình người và hình con lợn rừng trên tấm đá. Ông nhận định cách sắp xếp các hình vẽ, vị trí của chúng so với nhau và cách chúng tương tác với nhau cho thấy đây là một bố cục có chủ ý, cho thấy dường như có điều gì đó đang diễn ra giữa những hình vẽ này hay một câu chuyện đang được kể.

Sử dụng phương pháp xác định niên đại tương tự, các nhà khoa học đã đánh giá lại tuổi của một bức tranh khác trong hang động Sulawesi tại địa điểm Leang Bulu' Sipong 4. Bức tranh này cũng mô tả một cảnh kể chuyện, với hình ảnh những sinh vật nửa người nửa thú săn lợn rừng và trâu. Kết quả cho thấy bức tranh có niên đại ít nhất là 48.000 năm, sớm hơn 4.000 năm so với suy đoán trước đây.

Tác phẩm trong hang động Leang Karampuang được xác định có niên đại trước các bức tranh hang động nổi tiếng ở châu Âu, trong đó có bức tranh tại El Castillo (Tây Ban Nha) với niên đại khoảng 40.800 năm. Ngoài ra, còn có một bức tranh bàn tay trên hang Maltravieso (Tây Ban Nha) mà một số nhà khoa học cho rằng có niên đại khoảng 64.000 năm trước và được cho là do người Neanderthal tạo ra. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn còn gây tranh cãi.

Theo chuyên gia Brumm, việc phát hiện bức tranh trong hang động rất lâu đời này ở Indonesia cho thấy châu Âu không phải là nơi khởi nguồn của nghệ thuật hang động như lâu nay người ta vẫn nghĩ. Điều này cũng cho thấy nghệ thuật kể chuyện là một phần quan trọng trong lịch sử loài người, xuất hiện sớm hơn nhiều so với những gì chúng ta từng biết.

Trong khi đó, ông Aubert nhấn mạnh rằng tác phẩm nghệ thuật trên đá sớm nhất ở Sulawesi không hề đơn giản, phản ánh khả năng tư duy và sáng tạo phi thường của con người thời bấy giờ.

Linh Tô

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm