Na Uy công bố tảng đá khắc chữ rune cổ nhất thế giới

Na Uy công bố tảng đá khắc chữ rune cổ nhất thế giới

Ngày 17/1, các nhà khảo cổ Na Uy thông báo họ đã phát hiện ra tảng đá khắc chữ rune cổ nhất thế giới tồn tại cách đây gần 2.000 năm, tức là có niên đại lâu hơn hàng trăm thế kỷ so với những tảng đá được tìm thấy trước đó.

Tảng đá sa thạch màu nâu, hình vuông và có kích thước 30 x 30 cm, được tìm thấy trong quá trình khai quật một khu mộ cổ vào cuối năm 2021, tại khu Tyrifjorden, phía Tây Bắc thủ đô Oslo. Nội dung chữ khắc trên đá được phiên âm lại sang chữ Latinh là từ "idiberug" chưa rõ nghĩa, có thể là chỉ người nằm trong ngôi mộ.

Theo Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Oslo, việc xác định niên đại bằng carbon của xương và gỗ được tìm thấy trong ngôi mộ cho thấy tảng đá được khắc chữ vào khoảng thời gian từ năm 1 đến 250 sau Công nguyên (SCN).

Nhà nghiên cứu chữ rune Kristel Zilmer cho biết giới khảo cổ từng cho rằng những tảng đá khắc chữ rune đầu tiên tại Na Uy và Thụy Điển xuất hiện vào những năm 300 hoặc 400 SCN, nhưng hóa ra một số tảng đá loại này thậm chí còn lâu đời hơn. Giới chuyên gia đánh giá tảng đá trên là một phát hiện độc đáo và có ý nghĩa rất quan trọng đối với những người nghiên cứu chữ cổ rune, cũng như lịch sử chữ viết của người Bắc Âu cổ.

Chữ rune là loại chữ cổ nhất được người Viking ở Scandinavia sử dụng. Các tảng đá thường được dựng tại các khu mộ và được khắc chữ rune. Đa số những tảng đá này có từ thời đại Viking. Nguồn gốc của hầu hết các tảng đá khắc chữ rune đến nay vẫn là một bí ẩn.

Dự kiến, tảng đá hiếm thấy trên sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Văn hóa ở Oslo từ ngày 21/1 – 26/2.

Nguyễn Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm