Phát hiện "Sao Mộc nóng" có mức chênh lệch nhiệt độ cực cao

Phát hiện "Sao Mộc nóng" có mức chênh lệch nhiệt độ cực cao

Theo nghiên cứu được công bố ngày 14/8 trên tạp chí Nature Astronomy, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã phát hiện một "Sao Mộc nóng", với sự chênh lệch nhiệt độ cực lớn giữa hai bên bề mặt.

"Sao Mộc nóng" là một thuật ngữ được các nhà thiên văn học sử dụng để mô tả các ngoại hành tinh tương tự với hành tinh khí khổng lồ "Sao Mộc nóng" về mặt vật lý, nhưng có quỹ đạo rất gần với các ngôi sao của chúng. Bức xạ cực mạnh từ những ngôi sao này đã khiến nhiệt độ bề mặt của Sao Mộc ở mức cực cao.

Theo nhà thiên văn học Na'ama Hallakoun thuộc Viện Khoa học Weizmann (WIS) - trưởng nhóm nghiên cứu, họ đã phát hiện một "Sao Mộc nóng" quay quanh một sao lùn trắng - phần lõi còn sót lại của một ngôi sao đã đốt cháy hết nhiên liệu hạt nhân - ở vị trí cách Trái Đất khoảng 1.400 năm ánh sáng.

Bà Hallakoun cho biết các nhà khoa học có thể nhìn thấy và nghiên cứu "Sao Mộc nóng" này, vì vật thể có kích thước rất lớn so với sao lùn trắng mà nó quay quanh - vốn mờ hơn 10.000 lần so với ngôi sao bình thường.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng mặt ban ngày của "Sao Mộc nóng" này có mức nhiệt khoảng 7.000 - 9.500 độ C, nóng hơn 2.000 độ C so với bề mặt Mặt Trời, trong khi nhiệt độ ở mặt ban đêm của ngoại hành tinh này chỉ từ 1.000 - 2.700 độ C. Sự chênh lệch lên tới 6.000 độ C này là khoảng cách về nhiệt độ lớn nhất từng thấy ở một "Sao Mộc nóng".

Bà Hallakoun đánh giá yếu tố này đã khiến đây "trở thành một phòng thí nghiệm hoàn hảo cho các nghiên cứu trong tương lai về các điều kiện khắc nghiệt của Sao Mộc nóng".

Thanh Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm