Phát hiện các hệ sao đôi hiếm gặp trong vũ trụ

Phát hiện các hệ sao đôi hiếm gặp trong vũ trụ

Một nhóm nhà thiên văn học quốc tế đã xác định được hai ví dụ mới về những hệ sao đôi hiếm gặp và báo cáo khoa học của họ vừa được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal Letters.

Sao đôi được tạo thành từ một hệ thống gồm hai ngôi sao trung tâm quay quanh nhau trong chuyển động trên quỹ đạo của khối tâm hai ngôi sao. Theo nhà khoa học Zhu Wei thuộc Đại học Thanh Hoa - Trưởng nhóm nghiên cứu trên, các nhà nghiên cứu đặt tên hai hệ sao đôi mới phát hiện này là Bernhard-1 và Bernhard-2. Chúng được bao quanh bởi một đĩa khí và bụi bất thường, nằm ở một góc 45 độ so với quỹ đạo của các ngôi sao trung tâm.

Đĩa tiền hành tinh - một đĩa chứa khí đặc quay xung quanh một ngôi sao trẻ mới hình thành - thường nằm trong cùng một mặt phẳng quỹ đạo với các ngôi sao, giống như hầu hết các hành tinh và Mặt Trăng trong hệ Mặt Trời có cùng một mặt phẳng quỹ đạo. Tuy nhiên, các hệ sao đôi mới được phát hiện thuộc loại hiếm, trong đó một đĩa hình sao nằm ở một góc 45 độ so với mặt phẳng của các ngôi sao quay quanh quỹ đạo.

Theo nhà khoa học Zhu Wei, chiếc đĩa hình sao này lắc lư như một con quay vì độ nghiêng. Ông đồng thời giải thích thêm rằng trong quá trình lắc lư, chiếc đĩa có thể di chuyển giữa Trái Đất và các sao đôi trong khoảng thời gian vài thập kỷ, khiến độ sáng của các sao đôi thay đổi thường xuyên.

Khi quan sát từ Trái Đất, các hệ sao đôi này mờ đi khi một trong những ngôi sao trong hệ thống của chúng di chuyển phía sau đĩa tiền hành tinh. Khả năng quan sát sẽ rõ hơn khi độ sáng của hệ sao đôi trở lại bình thường. Theo kết quả nghiên cứu, cứ sau mỗi 192 ngày, Bernhard-1 sẽ bị mờ đi trong 112 ngày, trong khi Bernhard-2 bị mờ đi trong vòng 20 ngày sau mỗi chu kỳ 62 ngày.

Nhà khoa học Zhu Wei cho biết hai hệ sao đôi này ở cách Trái Đất 3.000-10.000 năm ánh sáng và việc phát hiện ra chúng có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình tìm hiểu sự hình thành hành tinh.

Thanh Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm