Phát hiện hơn 400 dấu chân người cổ đại tại châu Phi

Phát hiện hơn 400 dấu chân người cổ đại tại châu Phi

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện hàng trăm dấu chân hóa thạch tương đối nguyên vẹn của một nhóm người cổ đại sống cách đây hàng nghìn năm tại châu Phi, qua đó hé mở nhiều thông tin quý giá về hành vi, tập quán lao động cũng như sinh hoạt của tổ tiên loài người.

Phát hiện hơn 400 dấu chân người cổ đại tại châu Phi ảnh 1Dấu chân người cổ đại được phát hiện tại khi vực Arusha, miền Bắc Tanzania. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí khoa học Scientific Reports cho biết các nhà khoa học thuộc Đại học Chatham (bang Pennsylvania) đã phát hiện 408 dấu chân người cổ đại tại khu vực miền Bắc Tanzania. Đây là số dấu chân hóa thạch nhiều nhất từng được tìm thấy ở châu Phi. Các dấu chân này có nên đại từ 19.100 – 5.760 năm trước đây và được bảo toàn gần như nguyên vẹn nhờ nham thạch núi lửa.

Theo nhà sinh học tiến hóa Kevin Hatala tại Đại học Chatham, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, việc phát hiện ra nhiều dấu chân còn nguyên vẹn của người cổ đại rất hiếm gặp và vô cùng quý giá bởi những vết tích này sẽ mở ra "cánh cửa" để các nhà khoa học nhìn rõ hơn về quá khứ, cụ thể ở đây là những bước đi của nhóm cư dân cổ đại tại một khoảnh khắc nào đó trong dòng chảy lịch sử.

Phát hiện hơn 400 dấu chân người cổ đại tại châu Phi ảnh 2Dấu chân người cổ đại được phát hiện tại khi vực Arusha, miền Bắc Tanzania. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi thực hiện các nghiên cứu về sinh trắc học, các nhà khoa học cho rằng đây là dấu chân của 17 người bao gồm 14 nữ giới trưởng thành, 2 nam giới trưởng thành và 1 nam thiếu niên. Ngoài ra, dựa trên kết quả nghiên cứu hướng đi cùng quá trình dừng nghỉ của các dấu chân, các nhà khoa học phỏng đoán tại thời điểm đó 14 nữ giới đang đi hái lượm thì gặp 3 nam giới đang săn bắn. Sau đó họ đã gộp thành một nhóm nhằm bảo vệ lẫn nhau trong quá trình tìm kiếm thức ăn trong rừng – tập quán hiện vẫn còn tồn tại trong nhiều bộ tộc tại khu vực Đông Phi.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy dấu vết của một số loài thú móng guốc như ngựa vằn, linh dương và trâu di chuyển cùng hướng với nhóm người trên. Đây là bằng chứng giúp các nhà khoa học đưa ra phỏng đoán rằng nhóm người này có thể đã hợp sức để có thể săn hạ thành công những loài thú có kích thước lớn.

Đánh giá về công trình nghiên cứu trên, nhà địa chất học Matthew Bennett thuộc Đại học Bournemouth của Anh cho rằng đây là những phát hiện mang tính đột phá bởi kết quả phân tích đặc tính dấu chân đã đưa ra những hình ảnh và dẫn chứng thuyết phục về quá trình phân công lao động theo giới tính của người cổ đại, trong đó phụ nữ đảm nhận công việc hái lượm và đàn ông phụ trách việc săn bắn.

Hiện tại, việc nghiên cứu các dấu chân cổ đại đang thu hút mối quan tâm lớn của giới khoa học bởi tính chân thực và sống động mà các dấu tích này để lại. Các nhà khoa học Mỹ đang phối hợp với nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới để tiến hành nghiên cứu hàng vạn bước chân có niên đại hàng vạn năm không chỉ của loài người, mà còn của nhiều muông thú tại Công viên White Sand, bang New Mexico, Mỹ. Kết quả nghiên cứu bước đầu tại công viên này cho thấy từ thời kỳ đồ đá con người đã bắt đầu săn bắt những loài thú có kích cỡ to hơn cơ thể họ rất nhiều lần.

   Phi Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm