Phát hiện hóa thạch khủng long khổng lồ mới tại Argentina

Ngày 11/4, Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Argentina (Conicet) thông báo các nhà cổ sinh vật học nước này đã phát hiện ra một loài khủng long mới thuộc chi titanosaur, một chi thuộc họ khủng long sauporod ăn cỏ có đầu nhỏ và thân hình to lớn.

Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires dẫn thông báo của Conicet cho biết loài khủng long mới này sống ở khu vực Patagonia của Argentina cách đây 66 triệu năm, ngay trước khi xảy ra cuộc tuyệt chủng kỷ Phấn trắng-Paleogen đánh dấu sự kết thúc của “triều đại” khủng long trên Trái Đất.

Các nhà khoa học Argentina đã đặt tên cho loài mới phát hiện là “Titanomachya gimenezi”, với ý nghĩa gợi nhớ đến trận chiến Titanomachy trong thần thoại Hy Lạp, nơi các vị thần chiến đấu chống lại những người khổng lồ titan. Cùng với đó, tên gọi của loài khủng long mới cũng nhằm vinh danh bà Olga Giménez, nhà cổ sinh vật học đầu tiên phát hiện ra hóa thạch khủng long ở tỉnh Chubut miền Nam Argentina.

Nhà nghiên cứu Agustín Pérez Moreno của Conicet cho biết hóa thạch của loài titanosaur mới này được tìm thấy trong các trầm tích dày tại “Hệ tầng La Colonia” ở tỉnh Chubut. “Titanomachya gimenezi” nặng khoảng 7 tấn, nhỏ hơn nhiều so với loài “Patagotitan mayorum” cũng thuộc chi titanosaur, sống cách đây khoảng 95 - 100 triệu năm tại vùng Patagonia. Hóa thạch của loài “Patagotitan mayorum” được phát hiện lần đầu tiên tại tỉnh Neuquén cho thấy loài titanosaur nặng tới 70 tấn, dài 37 m và cao gần 6 m.

Trong trường hợp của “Titanomachya gimenezi”, các nhà cổ sinh vật học Aregntina đã xác định được sự tồn tại của loài này dựa trên hình thái của xương cựa, một loại xương ở chân sau của các loài khủng long. Các nhà khoa học đã phục hồi thành công các phần chi trước và chi sau, cũng như các mảnh xương sườn và đốt sống đuôi của loài này.

Ông Pérez Moreno nhấn mạnh cho đến trước khi “Titanomachya gimenezi” được phát hiện, các nhà khoa học chưa từng tìm thấy bất kỳ hóa thạch nào của họ khủng long sauropod tại “Hệ tầng La Colonia” – vốn là “khu nghĩa trang” của nhiều loài sinh vật cổ, từ khủng long ăn thịt và thằn lằn đầu rắn đến rùa và các loài bò sát khác.

Do đó, nhà khoa học này khẳng định “những phát hiện ở La Colonia không chỉ cung cấp thông tin quan trọng về quần thể sauropod ở Patagonia vào cuối kỷ Phấn trắng mà còn về sự đa dạng của hệ sinh thái khu vực vào thời điểm đó”.

Khoảng 66 triệu năm trước, hệ sinh thái tại vùng Patagonia ẩm ướt có hệ thực vật thủy sinh, cây cọ và rừng lá kim đa dạng, qua đó là môi trường sống hoàn hảo cho các loài khủng long ăn cỏ lớn.

Ngọc Tùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm