Nghiên cứu chỉ ra các điểm nóng "hóa chất vĩnh cửu" trên thế giới

Các nhà khoa học vừa công bố nghiên cứu phát hiện nồng độ nguy hiểm của "hóa chất vĩnh cửu" trên bề mặt nước và nước ngầm trên toàn thế giới, trong đó Australia, Mỹ và châu Âu được xác định là những điểm nóng ô nhiễm.

"Hóa chất vĩnh cửu" là các hợp chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS), có tác dụng chống nước, chống dính, chống dầu mỡ và chống bám bẩn. Chúng xuất hiện trong vô số sản phẩm thường dùng từ nồi chảo, thiết bị y tế, mỹ phẩm cho đến hộp bánh pizza. "Dấu vết" của PFAS đã được phát hiện trong nước, không khí, đất và thậm chí trong loài cá. Tiếp xúc với PFAS có nguy cơ cao mắc các bệnh như ung thư thận và tinh hoàn, bệnh tuyến giáp và cholesterol. Các hóa chất này được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” vì chúng tích tụ trong cơ thể con người theo thời gian thay vì phân hủy.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Geoscience, phân tích dữ liệu từ 45.000 mẫu nước trên toàn cầu cho thấy phần lớn mẫu xét nghiệm có nồng độ PFAS vượt mức khuyến cáo. Điều này cho thấy hóa chất vĩnh cực có mặt phổ biến trong bề mặt nước và nước ngầm mà con người sử dụng để uống.

Giáo sư Denis O'Carroll, một trong những tác giả của nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học New South Wales, Australia cho biết nhiều nguồn nước có lượng PFAS vượt quá giới hạn quy định, từ 5-50%.

Nghiên cứu phát hiện 69% mẫu nước ngầm trên toàn thế giới vượt quá tiêu chuẩn tối thiểu của Canada và 6% mẫu vượt quá tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU). Australia, Trung Quốc, Mỹ và một số vùng ở châu Âu được xác định là những điểm nóng ô nhiễm PFAS toàn cầu. Tuy nhiên, nghiên cứu thừa nhận rằng đây cũng là những khu vực có mức độ xét nghiệm cao nhất. Theo đó, nghiên cứu sâu rộng hơn có thể cho kết quả toàn diện hơn trên phạm vi toàn cầu.

PFAS được cho là có khả năng lan truyền khắp thế giới, nhưng mức độ ô nhiễm trên bề mặt Trái Đất, trong các nguồn nước và nguồn cung cấp nước uống vẫn chưa được biết rõ. Hiện Canada, Mỹ, EU và Australia đã bắt đầu hạn chế sử dụng PFAS do lo ngại về sức khỏe và môi trường.

Lan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm