Australia phát hiện các xung sóng vô tuyến chưa từng thấy của sao từ

Các nhà khoa học Australia đã phát hiện một hiện tượng chưa từng thấy của sao từ (magnetar), một dạng sao neutron có từ trường thuộc hàng mạnh nhất trong vũ trụ.

Sao neutron là thiên thể đặc nhất từng được biết tới trong vũ trụ, với khối lượng tương đương Mặt Trời gói gọn trong khối cầu chỉ rộng bằng một thành phố. Phiên bản từ tính cao của chúng là sao từ, loại sao có từ trường thuộc hàng mạnh nhất trong vũ trụ. Sao neutron và sao từ hình thành trong vụ nổ siêu tân tinh, khi vật liệu còn sót lại từ một sao chết ngưng tụ lại thành vật thể cực đặc và nóng.

Trong nghiên cứu được công bố ngày 9/3, một nhóm nhà khoa học do Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) dẫn đầu, đã mô tả các xung sóng vô tuyến bất thường từ sao XTE J1810-197, sao magnetar ở gần Trái Đất nhất. Bằng cách sử dụng kính vô tuyến Parkes của CSIRO, các nhà khoa học đã phát hiện ngôi sao này phát ra ánh sáng phân cực tròn, khiến ánh sáng này dường như có hình xoắn ốc khi di chuyển trong không gian.

Nhà khoa học Marcus Lower, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết đây là những phát hiện bất ngờ chưa từng được ghi nhận trước đây. Khác với những xung sóng vô tuyến đã được ghi nhận từ các sao từ khác, XTE J1810-197 đang phát ra lượng lớn ánh sáng phân cực tròn biến đổi nhanh chóng. Theo ông Lower, kết quả nghiên cứu cho thấy plasma (khí ion hóa - trạng thái thứ 4 của vật chất) siêu nóng trên cực từ của sao XTE J1810-197 gây ra hiện tượng trên, song vẫn chưa rõ cách thức mà plasma này gây ra hiện tượng đó.

Các xung sóng vô tuyến từ sao XTE J1810-197 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2003 trước khi ngôi sao này rơi vào trạng thái "ngủ yên" trong hơn 10 năm. Đây là một trong số ít sao từ được biết đến có thể tạo ra xung vô tuyến.

Văn Khoa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm