Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa khai quật được một hóa thạch bọt biển lớn còn khá nguyên vẹn có niên đại khoảng 540 triệu năm tại thành phố Thường Đức (Changde) tỉnh Hồ Nam (Hunan), miền Trung Trung Quốc. Đây là thông báo của Bảo tàng Địa lý Hồ Nam đưa ra ngày 1/4.
Ông Tống Quang Huy (Tong Guanghui), trợ lý nghiên cứu tại bảo tàng, cho biết hóa thạch này là phát hiện hiếm có từ đầu kỷ Cambri, có ý nghĩa khoa học to lớn, giúp hiểu thêm về giai đoạn đầu tiến hóa của động vật thân lỗ. Theo ông, hóa thạch cao 4 cm và rộng 3,5 cm tại chỗ rộng nhất, có toàn bộ khung gồm các vi gai silic trên một đá phiến khá nguyên vẹn.
Ông Tống Quang Huy nhấn mạnh phát hiệu này cho thấy đại dương vào thời gian đó có nhiều sinh vật phù du, có thể hỗ trợ sự sinh tồn của bọt biển lớn. Ông cho rằng có thể nhiều loài khác cũng sinh sống ở đại dương trong thời kỳ này, nên cần nghiên cứu thêm thực địa trong tương lai để chứng minh suy đoán này.
Như phần lớn động vật đa bào nguyên thủy, bọt biển xuất hiện trên các đại dương của Trái Đất khoảng 600 triệu năm trước. Chúng bám vào các trầm tích dưới đáy biển, lấy thức ăn từ nước biển chảy qua.
Thúc Anh