Ninh Thuận tìm hướng đổi mới để làng nghề phát triển bền vững

Ninh Thuận tìm hướng đổi mới để làng nghề phát triển bền vững
Sản xuất gốm thủ công truyền thống tại làng gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Sản xuất gốm thủ công truyền thống tại làng gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Toàn tỉnh hiện có ba làng nghề truyền thống được công nhận gồm: nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ (huyện Ninh Phước) và hàng chục làng có các nghề tiểu thủ công nghiệp khác như: đan lát, nghề cá hấp, làm nước mắm, làm chiếu, sản xuất đũa gỗ, làm đồ trang sức từ hạt cây rừng…tạo việc làm cho trên 12.500 lao động tại các huyện, thành phố. 

Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, ngoài ba làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh đã tìm được hướng đi riêng và có bước phát triển mới trong nền kinh tế thị trường, vừa bảo tồn, vừa phát huy các sắc thái văn hóa truyền thống của mỗi làng nghề, đạt doanh thu bình quân từ 5 đến 15 tỷ đồng/năm. 

 
Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Chăm làng Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Chăm làng Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Hiện, toàn tỉnh có trên 5.600 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình; sản phẩm chủ yếu xuất bán trong tỉnh và các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng. 

Trước tác động cơ chế thị trường, những sản phẩm công nghiệp cùng chủng loại được sản xuất từ máy móc công nghệ cao đang khiến cho nhiều sản phẩm của các làng nghề phải chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường. Nhiều hộ trong làng nghề không thể trụ nổi phải chuyền sang làm các công việc khác. 

Ngay cả những làng nghề có thương hiệu như dệt Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc, số hộ làm nghề cũng đang giảm dần. Cách đây 5 năm, cả làng Mỹ Nghiệp có gần 840 hộ làm nghề, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 310 hộ theo nghề dệt. Làng gốm Bàu Trúc cũng giảm từ 500 hộ đến nay chỉ còn khoảng 180 hộ sản xuất gốm. 

Bà Thạch Thị Loan, thợ dệt lành nghề ở làng dệt Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước) chia sẻ, một thợ dệt tay trong một ngày chỉ dệt được 1,8 đến 2 mét vải thổ cẩm với giá thành bán ra khoảng 100.000 đồng/sản phẩm; trong đó công lao động của thợ dệt là 50.000 đồng/ngày, thu nhập bình quân của những người làm nghề thủ công truyền thống cũng chỉ từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/người/tháng, khiến nhiều người không còn tâm huyết, nhất là lớp thanh niên trong làng. 

Để hỗ trợ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển, từ năm 2010 đến nay, Ninh Thuận đã ban hành nhiều đề án, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề. Cụ thể, tỉnh dành hơn 37,8 tỷ đồng xây dựng nhà trưng bày, cổng làng nghề, đường giao thông, cầu cống; hỗ trợ hơn 870 hộ vay vốn ưu đãi ngân hàng với trên 22,5 tỷ đồng. 

Từ nguồn vốn các chương trình khuyến công, bình quân mỗi năm tỉnh dành 100 triệu đến 150 triệu đồng xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, mở các lớp đào tạo nghề, xây dựng webside làng nghề, hỗ trợ các cơ sở tham gia 4 đến 5 hội chợ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành phố. 

 
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại làng dệt Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại làng dệt Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Bên cạnh đó, tỉnh mở các tuyến du lịch văn hóa đặc trưng gắn kết giữa các địa điểm du lịch làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc Chăm, Tháp Po Klong Garai, vườn nho Thái An, vịnh Vĩnh Hy, hang Rái để thu hút khách du lịch tham quan làng nghề, mua sắm. 

Với sự hỗ trợ, đầu tư của tỉnh, các làng nghề đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, sự phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; một phần nguyên nhân xuất phát từ tính đặc thù của nghề sản xuất thủ công năng suất thấp, tốn nhiều thời gian để làm ra một sản phẩm; do đó không đáp ứng được nhu cầu về số lượng dẫn đến thu nhập của người lao động bấp bênh. 
Sản phẩm gốm thủ công của hợp tác xã gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Sản phẩm gốm thủ công của hợp tác xã gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ngoài ra, kiểu dáng sản phẩm chưa phong phú. Việc đăng ký thương hiệu, cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, kiểu dáng công nghiệp còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh. Các cơ sở chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Các cơ sở thiếu vốn để xoay vòng sản xuất; nguồn nguyên liệu không ổn định đã gây ra hạn chế đáng kể tới sự phát triển các làng nghề hiện nay. 

Phó Trưởng Phòng quản lý Công nghiệp Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, bà Phạm Thị Bình cho biết, để làng nghề phát triển bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, trước hết các hộ dân, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác làng nghề cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, đổi mới cách thức sản xuất để tạo ra những sản phẩm đa dạng với nhiều mẫu mã, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. 

Năm 2017, Ninh Thuận sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai các đề án hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống hiện có; xây dựng mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Hình thành các mô hình sản xuất kinh doanh theo hợp tác xã, tổ sản xuất nhằm tạo điều kiện tập trung nguồn lực về vốn, năng lực sản xuất và thị trường tiêu thụ. 

Tỉnh giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, dịch vụ và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới./. 

 
Nguyễn Thành 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm