Ninh Bình khai thác lợi thế nông sản bản địa

Để nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn và đưa nông sản địa phương vươn xa trên thị trường, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã tập trung phát triển sản phẩm lợi thế địa phương gắn với Chương trình OCOP. Qua đó, không chỉ xây dựng được thương hiệu mà còn nâng cao giá trị nông sản gắn với địa danh.

ninh-binh-07082024123.jpg
Sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Sinh Dược, huyện Gia Viễn, được nhiều du khách ưa thích. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Xã Phú Long, huyện Nho Quan là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi để phát triển mô hình trồng cây na dai. Nhận thấy cây na là cây trồng mang lại lợi nhuận cao, người dân đã tận dụng lợi thế đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt đầu tư đầu vào việc trồng cây na, được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và thời tiết thuận lợi nên cây na ngày càng cho năng suất cao. So với các cây trồng truyền thống, cây na dai trái vụ đang cho thấy những ưu điểm vượt trội như dễ chăm sóc, một năm cho thu hoạch 2 vụ, đầu ra khá ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả khoa học, kỹ thuật, mô hình trồng na trái vụ trên địa bàn xã Phú Long ngày càng phát triển mạnh. Sản phẩm đã được công nhận OCOP 4 sao, giúp người dân yên tâm phát triển. Ông Nguyễn Đình Quý, Phó Giám đốc Hợp tác xã Na trái vụ và tiêu thụ nông sản an toàn Phú Long cho biết, cây na đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã Phú Long. Địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình trồng na trái vụ cùng với các cây trồng chủ lực khác như dứa, mía… Đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu “na dai Phú Long” thành nông sản thế mạnh của huyện.

Phát huy thế mạnh của địa phương là có Vườn quốc gia Cúc Phương - khu rừng nguyên sinh có thảm thực vật vô cùng phong phú với nhiều loài hoa quý; trong đó có các loại cây trà hoa vàng Cúc Phương, để bảo tồn, phát triển loại trà quý hiếm này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dược liệu Vũ Gia, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan đã xây dựng vùng nguyên liệu và định hướng sản xuất trà hoa vàng là sản phẩm đặc trưng không chỉ của huyện Nho Quan mà còn của tỉnh Ninh Bình. Hiện đơn vị đã sưu tầm, bảo tồn được 32 loài trà hoa vàng của Việt Nam. Trong số đó, chiếm chủ yếu và diện tích nhiều hơn cả là giống trà hoa vàng Cúc Phương, với diện tích trên 6,9 ha vùng nguyên liệu. Đây cũng là vùng trồng trà hoa vàng đầu tiên và với diện tích lớn nhất trong cả nước.

vna_potal_ninh_binh_thuc_day_phat_trien_nong_san_ban_dia_7523422.jpg
Huyện Hoa Lư phát triển các sản phẩm được làm từ sen. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Sản phẩm “Trà hoa vàng Cúc Phương” đã được tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao và là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu xuất sắc tỉnh Ninh Bình” năm 2021. Ông Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn dược liệu Vũ Gia cho biết, thời gian tới, công ty sẽ mở rộng vùng nguyên liệu, chuẩn hóa khâu chọn giống, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cấp về mẫu mã, chế biến theo tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm... Đồng thời, không ngừng mở rộng thị trường trong nước và tiếp cận thị trường quốc tế. Qua đó giúp khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, lan tỏa thương hiệu sản phẩm không chỉ của huyện Nho Quan mà còn cho tỉnh Ninh Bình.

Ông Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nho Quan cho biết, thời gian qua, trên cơ sở khảo sát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện đã tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo các nhóm hàng hóa, bao gồm, thảo dược, thực phẩm, đồ uống... Từ đó quan tâm định hướng, tư vấn, giúp chủ thể nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng nhằm phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống của địa phương.

Trong quá trình triển khai, cùng với quan tâm phát triển vùng nguyên liệu, chế biến sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới, huyện Nho Quan cũng tạo điều kiện và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP gắn với bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, sản phẩm đặc sản, đặc hữu nhằm nâng cao giá trị nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện văn hóa, du lịch, các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến… để lan tỏa các sản phẩm đặc thù, độc đáo, đặc sắc của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

vna_potal_ninh_binh_thuc_day_phat_trien_nong_san_ban_dia_7523425.jpg
Đặc sản bánh đa vừng xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, vẫn được người dân lưu truyền đến ngày nay. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Nâng cao giá trị nông sản bản địa

Ninh Bình không có nhiều lợi thế về sản xuất hàng hóa lớn với các vùng nguyên liệu quy mô lớn và các nhà máy chế biến công suất lớn. Do đó, tỉnh tập trung phát triển, chuẩn hóa các sản phẩm từ nông nghiệp, từ ngành nghề nông thôn có lợi thế ở từng địa phương, từ các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, hình thành các chuỗi giá trị nhỏ, hướng tới phục vụ du lịch của tỉnh. Việc phát triển nông sản bản địa gắn với Chương trình OCOP không chỉ phát huy lợi thế, điều kiện sản xuất từng địa phương, hình thành vùng nguyên liệu, mà còn góp phần chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian qua, Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu theo đặc trưng vùng miền, tiếp thêm động lực thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với hình thành chuỗi giá trị bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, Ninh Bình đã khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm OCOP không chỉ là đặc sản đặc trưng riêng có, mà còn trở thành “sứ giả” quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử của vùng đất Cố đô.

vna_potal_ninh_binh_thuc_day_phat_trien_nong_san_ban_dia_7523424.jpg
Gia đình ông Trịnh Văn Đàm cùng một số hộ khác tại thành phố Tam Điệp chọn nuôi dê đặc sản của địa phương để phát triển kinh tế. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2022 – 2025, Ninh Bình định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh theo 5 tiểu vùng sinh thái, gắn với phục vụ du lịch, gồm, tiểu vùng đồi núi bán sơn địa, tiểu vùng trũng, tiểu vùng đồng bằng, tiểu vùng ven đô thị, tiểu vùng ven biển. Mỗi tiểu vùng đã được định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản riêng. Hiện nay, quy hoạch nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình cũng đã được tích hợp vào các quy hoạch chung của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng thuận thiên, hữu cơ, tuần hoàn, tích hợp đa giá trị. Đây chính là cơ sở để nông nghiệp Ninh Bình dần tạo dựng được bản sắc riêng, khác biệt với các địa phương trên cả nước.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, trên cơ sở xác định rõ các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của từng vùng sinh thái, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; tập trung đào tạo, kiến thức kỹ năng phát triển thị trường cho các chủ thể, hỗ trợ, hình thành các dòng sản phẩm làm quà biếu, tặng gắn với lịch sử, văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát, mở rộng phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, xây dựng các tour, tuyến đưa du khách đến trải nghiệm, tham quan, mua sắm ngay tại các làng nghề truyền thống và cơ sở sản xuất các sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh.

vna_potal_ninh_binh_thuc_day_phat_trien_nong_san_ban_dia_7523421.jpg
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cũng xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc sản, sản phẩm có lợi thế, làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn; gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng và bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa và xây dựng nông thôn mới bền vững, đưa vị thế nông sản của tỉnh lên tầm cao mới, góp phần đưa nông nghiệp Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững.

Thùy Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm