Sau nhiều năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, với những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế, bức tranh nông thôn tỉnh Yên Bái đã có sự đổi thay toàn diện, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, đưa Yên Bái tiếp tục là điểm sáng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong xây dựng nông thôn mới...
Xây dựng tiêu chí qua các phong trào
Yên Bái là tỉnh miền núi có hai huyện và 85 xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Đến hết năm 2023, tỉnh có 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4/9 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện, đứng đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao đến năm 2025.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định, đây là kết quả nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng của nhân dân trong suốt quá trình thực hiện, nhất là tại các địa bàn vùng cao, đặc biệt khó khăn. Với quan điểm “xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, phong trào đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, mang đến diện mạo mới cho nông thôn, hình thành thêm nhiều miền quê đáng sống.
Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh, bên cạnh chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, lãnh đạo, cán bộ quản lý đi đầu, nêu gương đóng góp thiết thực vào việc xây dựng tiêu chí nông thôn mới thông qua các phong trào như: Ngày thứ Bảy cùng dân; Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống; Mỗi người, mỗi ngày một việc, góp phần làm sạch môi trường...; đồng thời vận động gia đình, anh em trong dòng họ cùng thực hiện.
Ông Nhâm Xuân Trường, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, cán bộ quản lý luôn đồng hành với người dân trong quá trình thực hiện; phân công, phân nhiệm đến từng tổ chức, đoàn thể theo từng nội dung, tiêu chí, lộ trình kế hoạch, giải pháp cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Cán bộ thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ cơ sở, người dân, cộng đồng để giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn; quá trình chỉ đạo việc xây dựng xã nông thôn mới cần linh hoạt, quyết liệt và sát với tình hình thực tế.
"Ưu tiên" các xã đặc biệt khó khăn
Giai đoạn 2021 - 2025, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái phấn đấu về đích nông thôn mới đều là các xã đặc biệt khó khăn. Tại những địa bàn này, tỉnh đều có cơ chế, chính sách phù hợp trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa. Cùng với ngân sách Nhà nước, Yên Bái phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, chủ động cho cơ sở, người dân và cộng đồng để huy động hiệu quả sự hỗ trợ của những người dân xa quê, lực lượng vũ trang, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia xây dựng xã nông thôn mới.
Huyện Văn Chấn đã huy động và lồng ghép hàng trăm tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới trong 3 năm gần đây. Từ nguồn vốn này, huyện bê tông hóa gần 100 km đường nông thôn; hỗ trợ 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông, internet và sử dụng 4/4 phần mềm ứng dụng theo quy định; hỗ trợ 23 sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm)... Đến nay, huyện có 11/21 xã cán đích nông thôn mới, trong đó đáng chú ý có 5 xã đặc biệt khó khăn đã bứt phá trở thành xã nông thôn mới.
Với quan điểm không chạy theo thành tích, không chủ quan, nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 126/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trên 60% số thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Đây cũng là tiền đề để Yên Bái tiếp tục nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, góp phần xây dựng tỉnh “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.
Tiến Khánh