Nâng cao hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Yên Bái

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác thăm các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả tại xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh - TTXVN phát
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác thăm các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả tại xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Ảnh - TTXVN phát

Từ năm 2021 đến nay, bằng nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành phù hợp với yêu cầu thực tế, các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Yên Bái được triển khai đồng bộ, toàn diện mang lại hiệu quả to lớn, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Yên Bái đã cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung chỉ đạo toàn diện, phân cấp chặt chẽ, chủ động phối hợp, ưu tiên bố trí nguồn vốn, lồng ghép nguồn lực thực hiện. Tỉnh triển khai hỗ trợ nhà ở; phát triển cơ sở hạ tầng; chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, y tế; tạo sinh kế, giúp người dân không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương... là những hoạt động được chính quyền và người dân thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Yên Bái đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong tổ chức thực hiện. Yên Bái đã có những cách làm sáng tạo, chủ động, hiệu quả để đạt tiến độ giải ngân, đảm bảo các mục tiêu của các chương trình nhanh chóng đến với người dân.

Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đề lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình với chính sách hỗ trợ của tỉnh, huy động nguồn lực đa dạng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân… nhiều mục tiêu đã về đích sớm hơn với kế hoạch. Các chương trình đều đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, giảm nghèo nhanh, bền vững song song với bảo tồn bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc.

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã giải ngân trên 1.200 tỉ đồng đồng, bằng hơn 84% kế hoạch, riêng vốn Ngân sách Trung ương đạt trên 1.084 tỉ đồng. Địa phương đã huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là phát triển hệ thống giao thông và lưới điện, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tạo sức lan tỏa rộng rãi góp phần nâng cao thu thập, cải thiện đời sống cho người dân....

Nhờ làm tốt việc lồng ghép, huy động nhiều nguồn lực, Yên Bái đã ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và giáo dục phổ thông. Đến nay, Yên Bái đảm bảo mục tiêu 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới mức cho phép, không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống, 100% các xã trên toàn tỉnh đã có đường giao thông đi lại 4 bốn mùa...

Xã vùng cao Châu Quế Thượng, thuộc huyện miền núi Văn Yên là đơn vị điển hình đã và đang được hưởng lợi khá nhiều từ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong 2 năm qua, xã được đầu tư hàng chục dự án với số tiền trên 30 tỷ đồng. Trên cơ sở các tiêu chí, địa phương này cũng như nhiều địa phương khác đã thực hiện bình xét từ thôn, bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch, đúng đối tượng hưởng thụ.

Ông Nguyễn Đức Cải, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên cho biết, nhiều dự án được triển khai đồng bộ, rất thiết thực phục vụ đời sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương, nhất là tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn miền núi của xã. Trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong xã là duy trì, tiếp tục đầu tư để phát huy hiệu quả lâu dài của các dự án.

Với cách tiếp cận được đổi mới, công tác tuyên truyền đi trước một bước, bên cạnh phổ biến đầy đủ các cơ chế chính sách, người dân được tạo điều kiện thuận lợi nhất tham gia đóng góp công sức và giám sát công trình theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, cả hệ thống chính trị đã được huy động vào cuộc cùng với người dân sở tại tổ chức triển khai thực hiện từng phần việc cụ thể, theo kế hoạch và đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Bà Lã Thị Liền, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, năm nay huyện tiếp tục được phân cấp, phân quyền nhiều hơn; nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh với UBND cấp huyện trong việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án. Đến nay, nguồn lực này đã triển khai đồng bộ 9 dự án, tất cả các dự án đều đã phát huy hiệu quả ngay trong năm đầu tiên thực hiện, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả, đến nay toàn tỉnh Yên Bái đã có 14/28 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, 25/27 thôn thoát khỏi đặc biệt khó khăn, đạt 92,5% mục tiêu giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn 12,14%, vượt 1,93% so với mục tiêu. Khoảng 97,6% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5%, bằng 90% mục tiêu.

Ông Đoàn Hữu Phung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, tỉnh Yên Bái đã sớm đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, giao trách nhiệm cụ thể cho Ban chỉ đạo, các ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh. Do vậy, kết quả năm 2023, tỉnh được Trung ương đánh giá cao, Yên Bái đứng thứ 4 cả nước và thứ 1 khu vực miền núi phía Bắc về giải ngân của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, qua thực tế tổ chức thực hiện, Yên Bái nhận định vẫn còn một số những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: các thủ tục liên quan đến chuyển đổi rừng tự nhiên hoặc liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gặp nhiều khó khăn; việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chậm; công tác chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai giữa các hộ rất khó thực hiện.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn bất cập về đối tượng hỗ trợ của các dự án, vì sau khi sáp nhập, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, do đó, các đơn vị này không thuộc diện được hỗ trợ đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia; khó khăn về chỉ tiêu tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử vì chưa được hướng dẫn cụ thể.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm