Phát hiện mới về ngôi đền cổ Chavín de Huántar tại Peru

Phát hiện mới về ngôi đền cổ Chavín de Huántar tại Peru
Bộ xương người được phát hiện bên trong căn hầm chật hẹp của ngôi đền Chavín de Huántar, Peru ngày 20/8. Ảnh: AFP/ TTXVN
Bộ xương người được phát hiện bên trong căn hầm chật hẹp của ngôi đền Chavín de Huántar, Peru ngày 20/8. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Peru, Luis Felipe Villacorta (Lu-ít Phê-li-pê Vi-gia-cô-ta) cho biết các nhà khảo cổ đã sử dụng robot loại nhỏ, gắn bánh xe, hệ thống chiếu sáng và máy quay siêu nhỏ do những kỹ sư của Đại học Stanford (Mỹ) thiết kế. Các chuyên gia đã tìm thấy nhiều mảnh gốm, vật dụng và bộ xương người trong những căn hầm chật hẹp của ngôi đền Chavín de Huántar ở vùng núi Andes cao hơn mực nước biển 3.200m.

Phát hiện quan trọng này cho thấy các phòng trưng bày tại ngôi đền dường như bị đóng kín trong suốt khoảng 2.000 năm của nền văn minh Chavin. Theo Thứ trưởng Villacorta, các chuyên gia khảo cổ Peru hiện chỉ tìm hiểu được 15% quần thể ngầm tại ngôi đền Chavin và hi vọng sẽ phát hiện thêm nhiều phòng trưng bày khác để hoàn thành bản đồ đầy đủ về những đường ngầm tại đây.

Giám đốc Chương trình Nghiên cứu đền Chavín de Huántar của Đại học Stanford, John Rick (Giôn Rích), tiết lộ một trong những bí ẩn trong đợt nghiên cứu lần này là tìm thấy 3 bộ xương người cổ tại các phòng trưng bày trên. Đây có thể là những người đã bị hiến tế, do một trong số họ có tư thế nằm úp mặt và hai trong 3 bộ xương là của trẻ em và bộ còn lại là của một thanh niên khoảng 20-30 tuổi.

Ngôi đền Chavín de Huántar, nằm cách thủ đô Lima về phía Bắc 250km, được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới năm 1985. Đây là một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của người Peru cổ, gồm 35 đường hầm và những đoạn đường ngầm giao nhau, được xây dựng trong giai đoạn từ 1.200 -200 năm trước Công Nguyên ở chân dãy núi Andes, vùng Ancash (An-cát).
TTXVN

Có thể bạn quan tâm