Phương pháp xét nghiệm nước thải giúp theo dõi lượng tiêu thụ rượu bia

Các nhà khoa học đã theo dõi thành công lượng tiêu thụ đồ uống có cồn của người dân New Zealand nhờ xét nghiệm nước thải. Đây là cuộc thử nghiệm quy mô lớn đầu tiên tại New Zealand về vấn đề này.

Nghiên cứu do Đại học Auckland phối hợp với Viện Khoa học và Nghiên cứu Môi trường tiến hành. Theo các nhà nghiên cứu, lượng tiêu thụ rượu bia có thể được xác định thông qua xét nghiệm nước thải do họ có thể phát hiện ethyl sulphate - hợp chất được đào thải sau khi cơ thể chuyển hóa ethanol trong đồ uống có cồn.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 10 khu vực thu giữ nước thải, chiếm khoảng 40% dân số New Zealand, trong 6 tháng của năm 2021. Trong khoảng thời gian này, tháng nào, các nhà nghiên cứu cũng lấy mẫu nước của 7 ngày. Những khu vực được chọn nghiên cứu thuộc các thành phố có quy mô dân số lớn nhỏ khác nhau, ở cả đảo Bắc và Nam của New Zealand.

Nghiên cứu ước tính lượng tiêu thụ đồ uống có cồn trung bình của người dân New Zealand là 1,2 ly tiêu chuẩn (mỗi ly tiêu chuẩn chứa 10 gram cồn) mỗi ngày đối với người từ 15 tuổi trở lên, thấp hơn đáng kể so với ước tính đưa ra trong một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy người dân ở đảo Nam tiêu thụ rượu bia nhiều hơn ở đảo Bắc. Những khu dân cư ít người hơn tiêu thụ lượng rượu bia cao hơn những khu đông người. Lượng tiêu thụ rượu bia tăng vọt liên quan đến các sự kiện đặc biệt như ngày lễ và các trận đấu bóng bầu dục và cricket.

Theo nghiên cứu, việc xét nghiệm nước thải theo phương pháp trên cung cấp dữ liệu đáng tin cậy và có quy mô rộng lớn hơn về lượng tiêu thụ đồ uống có cồn. Các nhà khoa học cho rằng phương pháp này cũng có thể giúp các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế theo dõi việc sử dụng các chất có hại nhất. Phương pháp xét nghiệm nước thải đã từng được áp dụng để phát hiện virus SARS-CoV-2 và việc sử dụng ma túy.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Chemistry: An Asian Journal" ngày 19/3.

Nguyễn Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm