Sau khi áp dụng phương pháp đo lượng khí thải từ hệ thống phanh vào năm ngoái, Diễn đàn thế giới về hài hoà các quy định đối với các phương tiện giao thông đường bộ (WP 29) của Ủy ban Kinh tế Châu Âu thuộc Liên hợp quốc (UNECE) đã chuyển sang giải quyết lượng khí thải từ lốp xe.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thông báo của UNECE ngày 8/2 nhận định việc lốp xe, được làm từ hỗn hợp polyme nhựa và cao su tự nhiên và tổng hợp, bao gồm các thành phần hóa học khác, là nguồn phát thải khí thải đáng kể. Độ mài mòn của lốp được tạo ra khi có ma sát với mặt đường, chẳng hạn như khi xe chuyển hướng, tăng tốc hoặc phanh. Các hạt nhỏ vỡ ra khỏi lốp xe và được thải vào không khí, xuống mặt đường và môi trường ven đường. Từ đó, chúng ảnh hưởng đến sức khỏe con người và có thể gây ô nhiễm đất và đường thủy thông qua dòng chảy mặt đường, nước thải và chuyển động trong không khí. Cuối cùng, chúng có thể xâm nhập và gây ô nhiễm đại dương.
Theo thông báo, ban công tác về tiếng ồn và lốp xe của UNECE, với sự hỗ trợ của ban công tác về ô nhiễm và năng lượng, đã thông qua đề xuất giới thiệu hai phương pháp đo độ mài mòn của lốp. Đó là đo độ mài mòn của lốp trong điều kiện xe chạy trên đường thông thoáng trong khoảng cách 8.000 km, và đo độ mài mòn của lốp trong điều kiện phòng thí nghiệm với khoảng cách 5.000 km.
Những phương pháp đo lường trên dự kiến được áp dụng trong hoạt động đánh giá thị trường, nhằm thu thập dữ liệu độ mài mòn từ các kích cỡ, kiểu dáng và nhãn hiệu lốp khác nhau. Sau đó, dữ liệu đó sẽ được sử dụng để xác định giới hạn mài mòn của lốp để đưa vào Quy định số 117 của LHQ.
Khi các giới hạn về mài mòn này có hiệu lực, các nhà sản xuất lốp xe sẽ cần đảm bảo rằng tất cả các loại lốp bán trên thị trường đều đáp ứng giới hạn đặt ra. Đối với những lốp xe vượt quá giới hạn, nhà sản xuất sẽ cần điều chỉnh thành phần nguyên liệu hoặc quy trình sản xuất.
Anh Hiển