Người dân Thống Nhất giữ “lửa” nghề thổi thủy tinh truyền thống nơi đô thành

Thổi thủy tinh là nghề truyền thống có từ lâu đời ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Diễm Quỳnh
Thổi thủy tinh là nghề truyền thống có từ lâu đời ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Diễm Quỳnh

Từ những năm 60, người dân Thống Nhất, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã sản xuất ra các vật dụng bằng thủy tinh từ đơn giản như bóng đèn, chai, lọ, nắp phích đến các vật phẩm cầu kỳ theo yêu cầu của khách hàng. Có lúc tưởng như nghề bị mai một, nhưng đến nay, bà con nơi đây vẫn bảo tồn, duy trì được tinh hoa của làng nghề.

Người dân Thống Nhất giữ “lửa” nghề thổi thủy tinh truyền thống nơi đô thành ảnh 1Thổi thủy tinh là nghề truyền thống có từ lâu đời ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Diễm Quỳnh

Tinh hoa làng nghề đỏ lửa

Quy trình để tạo ra một sản phẩm thủy tinh, cần trải qua nhiều công đoạn, từ việc chọn nguyên liệu. Các mảnh thủy tinh phải đảm bảo không bám bẩn và được phân loại theo màu khác nhau như xanh, trắng. Sau đó, các mảnh thủy tinh vụn hoặc cũ hỏng được tái chế lại bằng cách cho vào lò và nung nóng chảy. Tùy theo yêu cầu của từng sản phẩm mà quy trình sản xuất có thể khác nhau như thổi, ép, kéo, cuốn… Tuy nhiên, phương pháp gia công truyền thống phổ biến nhất đã được áp dụng qua nhiều đời vẫn là phương pháp thổi.

Người dân Thống Nhất giữ “lửa” nghề thổi thủy tinh truyền thống nơi đô thành ảnh 2Quy trình làm các sản phẩm từ thủy tinh gồm nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ. Ảnh: Diễm Quỳnh

Khi nung nóng thủy tinh trên lửa tới độ “chín”, người thợ sẽ sử dụng một ống sắt để quết thủy tinh nóng chảy vào đầu ống, sau đó dùng hơi để thổi vào thủy tinh nở phình ra. Quá trình tạo hình sản phẩm cũng được người thợ áp dụng trong lúc thổi, tuỳ theo độ dày mỏng khác nhau của mỗi sản phẩm. Với những người làm nghề, trong tất cả các bước thì kỹ thuật thổi là quan trọng nhất. Người thợ luôn phải điều tiết hơi thở thật khéo léo cho phù hợp với từng loại sản phẩm làm ra.

Người dân Thống Nhất giữ “lửa” nghề thổi thủy tinh truyền thống nơi đô thành ảnh 3Ông Hồ Văn Gừng là người thợ duy nhất còn sử dụng đèn dầu để thổi thủy tinh. Ảnh: Diễm Quỳnh

Ông Hồ Văn Gừng ở xã Thống Nhất là người có hơn 40 năm trong nghề. Ông chia sẻ: “Khi hơ thủy tinh trên đèn, người thợ phải liên tục điều chỉnh lửa sao cho phù hợp. Sau khi thủy tinh tới độ chín đỏ, người thợ phải thật khéo léo thổi và tạo hình thủy tinh thật nhanh, không được dừng tay bất cứ lúc nào vì thủy tinh rất nhanh nguội, nếu thổi không kịp, thủy tinh sẽ ngay lập tức bị méo mó và phải làm lại. Để có thể tạo được những sản phẩm thủy tinh theo yêu cầu, người thợ luôn phải chịu sức nóng ở gần ngọn lửa hơn 1.000 độ C trong lúc làm việc. Vào mùa hè, nhiệt độ ngoài trời là 37 độ thì trong nơi sản xuất, những người thợ phải chịu nhiệt độ phòng tới hơn 40 độ. Không những vậy, người thợ luôn phải chăm chú, tỉ mỉ từng chút một để tạo hình cong hoặc thẳng cho thủy tinh”.

Người dân Thống Nhất giữ “lửa” nghề thổi thủy tinh truyền thống nơi đô thành ảnh 4Mỗi nhà làm nghề đều có bí quyết gia truyền riêng để làm nên sản phẩm tinh xảo và độc đáo. Ảnh: Diễm Quỳnh

Mỗi xưởng sản xuất thủy tinh đều có những bí quyết riêng khác nhau từ công đoạn lựa chọn chất liệu thủy tinh cho tới nung nóng và tạo hình sản phẩm để làm ra những sản phẩm có độ bền cao, có độ trắng trong suốt và đều nhau. Sản phẩm làm ra còn phải đảm bảo về độ an toàn khi sử dụng.

Gìn giữ làng nghề truyền thống

Trải qua nhiều năm tháng khó khăn để thích ứng với biến đổi của xã hội và yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhiều hộ làm nghề thổi thủy tinh truyền thống ở xã Thống Nhất hiện không chỉ sản xuất những đồ dùng thủy tinh truyền thống mà còn tìm tòi nghiên cứu để làm ra các vật dụng, thiết bị sử dụng trong lĩnh vực y tế, giáo dục mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Anh Hồ Quang Hiển, thế hệ thứ hai làm nghề thổi thủy tinh trong gia đình có truyền thống làm nghề cho biết: Gia đình anh không chỉ làm các sản phẩm đơn giản như bóng đèn, ống philatop,... mà còn làm những vật dụng yêu cầu kỹ thuật cao hơn, cầu kì và khéo léo hơn. Mỗi sản phẩm bóng đèn dầu được bán với giá 3 - 4 nghìn đồng/sản phẩm nhưng những sản phẩm cầu kì theo đơn đặt hàng được bán giá cao hơn, lên tới 10-15 nghìn đồng/sản phẩm.

Người dân Thống Nhất giữ “lửa” nghề thổi thủy tinh truyền thống nơi đô thành ảnh 5Thế hệ trẻ của làng nghề chăm chú học hỏi để quyết tâm giữ "lửa" cho nghề thổi thủy tinh truyền thống. Ảnh: Diễm Quỳnh
Người dân Thống Nhất giữ “lửa” nghề thổi thủy tinh truyền thống nơi đô thành ảnh 6Một số sản phẩm của làng nghề thổi thủy tinh. Ảnh: Diễm Quỳnh
Người dân Thống Nhất giữ “lửa” nghề thổi thủy tinh truyền thống nơi đô thành ảnh 7Sản phẩm thủy tinh chủ yếu của làng nghề hiện nay là ống nghiệm, bóng đèn, chai lọ. Ảnh: Diễm Quỳnh

Gia đình ông Gừng là một trong số ít hộ trong xã tiếp tục làm nghề nhưng chính họ là những người đang góp phần bảo tồn làng nghề truyền thống thổi thủy tinh.  

Riêng với ông Gừng, nghề thổi thủy tinh đã gắn bó như máu thịt. Nghề từng đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định và lo được cho con cái học hành. Mặc dù hiện tại, thu nhập từ nghề mang lại không nhiều nhưng cũng đủ sinh hoạt để không phải nhờ cậy vào các con. Đến giờ, dù tuổi đã cao, sức đã giảm, nhưng ông vẫn tiếp tục làm nghề như để giữ lại một kỷ niệm của ông bà từ thời mới cưới nhau và một phần cũng vì muốn bảo tồn truyền thống của gia đình cũng như truyền thống của làng nghề giữa nơi phồn hoa đô hội. 

Dương Diễm Quỳnh

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm