Ngư dân trúng lớn vụ cá Nam

Những ngày qua, ngư dân các địa phương tỉnh Ninh Thuận phấn khởi vì trúng đậm những mẻ cá cơm, cá nục thu về hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt. Vụ cá Nam tuy đến muộn, thế nhưng lượng cá xuất hiện dày đặc hơn so với vụ trước. Một chuyến biển từ 1 - 2 ngày, mỗi tàu đều đánh bắt được từ 7 - 10 tấn cá các loại; trong đó nhiều nhất là cá cơm.

vna_potal_ngu_dan_ninh_thuan_trung_dam_vu_ca_nam__7515804.jpg
Vận chuyển cá lên bờ bán cho thương lái tại cảng Cà Ná (Thuận Nam, Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử - TTXVN

Tại Cảng cá Cà Ná mở rộng, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, mới sáng sớm nhiều tàu đã liên tục cấp cảng, lao động biển khẩn trương chuyển cá lên bờ bán cho các thương lái. Do giá cá cơm tương đối cao nên cảnh mua, người bán diễn ra rất sôi động. Nhiều chiếc xe tải, xe ba bánh liên tục ra vào cảng để chuyên chở những giỏ cá cho các thương lái, tạo nên không lao động khá sôi nổi.

Nhiều ngư dân ở xã Cà Ná cho hay, do ngư trường thuận lợi, đàn cá cơm xuất hiện nhiều nên ngư dân ai cũng tranh thủ vươn khơi đánh bắt. Cứ mỗi chuyến biển, chiều xuất bến, sáng lại vào, mỗi tàu đều đánh được từ 400 - 500 giỏ cá, tương đương 7 tấn. Với giá bán từ 110.000 - 120.000 đồng/giỏ (giỏ 10 kg), tùy kích cỡ của cá, trung bình mỗi chuyến biển ngư dân thu được trên dưới 60 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Cảng cá Cà Ná, được vụ cá Nam, những ngày qua, hoạt động mua bán hải sản tại cảng diễn ra rất tấp nập. Khi lượng cá được đưa khỏi khoang tàu là thương lái tổ chức cân và thu mua ngay tại chỗ. Từ 5 giờ đến khoảng 10 giờ sáng, xe cộ liên tục tăng tốc để kịp thời chuyên chở những giỏ cá rời cảng đến các cơ sở chế biến. Ban Quản lý Cảng cá cũng bố trí nhân viên điều tiết phương tiện ra vào cảng, tránh trường hợp tranh dành, gây mất an ninh trật tự tại cảng.

vna_potal_ngu_dan_ninh_thuan_trung_dam_vu_ca_nam__7515813.jpg
Vận chuyển cá lên cảng bán cho thương lái. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Được mùa cá cơm, các chủ cơ sở chế biến cá cũng tranh thủ tối đa thời gian đến cảng thu mua cá. Các lò hấp cũng liên tục hoạt động hết công suất. Các chủ cơ sở hấp cá tại xã Cà Ná cho biết, thời gian qua sản phẩm cá cơm hấp khô rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng nên giá bán tương đối cao. Nhờ sản lượng đánh bắt nhiều, nguyên liệu chế biến cơ bản đáp ứng nên số lượng hàng cung cấp cho thị trường được đảm bảo. Theo đó, ngư dân cũng được nhờ vì giá bán cao; các cơ sở chế biến cũng có lợi nhuận; đặc biệt hơn là nhân công lao động được thuê hấp, phơi cá cũng có việc làm thường xuyên, liên tục và có thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Hồng Phấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, vụ cá Nam hằng năm từ tháng 4 đến hết tháng 9; là vụ khai thác chính của các nghề khai thác hải sản. Để khai thác hiệu quả, Chi cục Thủy sản chủ động xây dựng kế hoạch, khuyến khích ngư dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, bản tin ngư trường, bám ngư trường để chủ động vươn khơi đánh bắt.

Trong vụ cá Nam này, mặc dù cá cơm ít xuất hiện trên ngư trường Ninh Thuận nhưng nhờ làm tốt tuyên truyền, vận động nên một số tổ đoàn kết nghề pha xúc của ngư dân trong tỉnh, nhất là ngư dân ở huyện Thuận Nam đã chủ động di chuyển ngư trường vào các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Kiên Giang để khai thác và đạt được kết quả nhất định, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động biển.

vna_potal_ngu_dan_ninh_thuan_trung_dam_vu_ca_nam__7515808.jpg
Các thương lái thu mua cá tại Cảng Cà Ná (Thuận Nam, Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ông Nguyễn Hồng Phấn cho biết, vụ cá Nam chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc, để tổ chức khai thác hải sản đạt hiệu quả, Chi cục Thủy sản sẽ liên tục cập nhật, thông báo các bản tin thời tiết, phổ biến bản tin dự báo ngư trường khai thác của Viện Nghiên cứu hải sản đến các chủ phương tiện, thuyền trưởng để chủ động hơn trong khai thác. Đồng thời, khuyến khích ngư dân tham gia bám biển và tích cực di chuyển ngư trường xuống các tỉnh phía Nam để tham gia khai thác. Vì đây là những vùng biển có điều kiện thời tiết thuận lợi nhất trong những tháng cuối năm, ít chịu tác động của áp thấp nhiệt đới và bão, phù hợp cho hoạt động khai thác, nhất là lực lượng nghề pha xúc vốn là thế mạnh của ngư dân Ninh Thuận.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Ninh Thuận đã khai thác được gần 57 nghìn tấn hải sản các loại. Riêng trong vụ cá Nam (từ đầu tháng 4 đến hết tháng 9), tỉnh Ninh Thuận phấn đấu khai thác đạt sản lượng 42.000 tấn hải sản các loại.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm