Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão năm 2024, tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các cấp, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chủ động xử lý tình huống, sự cố, tập trung ở những địa bàn xung yếu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Thuận (thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ), năm 2024, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Từ nay đến cuối năm có khoảng 10 -12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông; trong đó 4 - 6 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Như vậy, bão và áp thấp nhiệt đới xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Ninh Thuận; sẽ xuất hiện mưa lớn tập trung từ tháng 11/2024 trở đi và có khả năng xảy ra từ 2 - 3 đợt lũ vượt báo động cấp III trên các sông, suối trong tỉnh.
Để chủ động phòng, chống thiên tai và đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa ký văn bản yêu cầu các cấp, ngành, địa phương nâng cao năng lực trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành thực hiện hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.
Cụ thể, Ninh Thuận xác định rõ các khu vực trọng điểm cần bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Khi có bão, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại các cảng Cà Ná, Sơn Hải, Đông Hải, Ninh Chữ, Mỹ Tân và Vĩnh Hy, cũng như những tàu đang hoạt động trên biển. Đối với tình huống lũ lụt, các mục tiêu trọng tâm bao gồm: đê sông Dinh, các hồ chứa nước và vùng hạ lưu, các cơ sở sản xuất quan trọng và những khu vực dễ bị sạt lở như bờ sông, bờ biển.
Tỉnh xác định, các khu vực lũ quét thường xảy tại huyện Ninh Sơn gồm: đèo Ngoạn Mục, suối SaKai, suối Gia Chiêu, suối Tầm Ngân 1, thượng nguồn của các sông suối bắt nguồn từ Lâm Đồng đổ về trên địa bàn xã Lâm Sơn và các xã Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Ma Nới. Ở huyện Bác Ái, các xã Phước Chính, Phước Thành, Phước Bình cũng nằm trong danh sách này. Các khu vực thường xảy ra sạt lở cần chú ý như: đường đèo Ngoạn Mục, Tỉnh lộ 701 (đoạn Mũi Dinh đi Cà Ná, huyện Thuận Nam), tuyến đường ven biển từ thôn Bình Tiên (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) đi thôn Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải); các tuyến Tỉnh lộ 706 và 707…
Tuyến đê sông Dinh - công trình trọng điểm bảo vệ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm với chiều dài hơn 10 km đã được xây dựng và củng cố vững chắc. Tuy nhiên, để đề phòng khi lũ lớn vượt trên báo động cấp III có thể xảy ra gây mất an toàn cho đê, UBND tỉnh yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc Chi cục Thủy lợi thường xuyên kiểm tra an toàn của đê, chủ động xử lý các sự cố đê, kè khi có tình huống xấu xảy ra.
Đối với vùng hạ lưu các hồ chứa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh thực hiện nghiêm quy trình vận hành các hồ chứa nước, thông tin về việc xả lũ sẽ được thông báo đến chính quyền địa phương ít nhất 6 giờ trước đó, tạo điều kiện cho công tác phòng tránh và sơ tán. Các sở, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn.
Các huyện, thành phố hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân các biện pháp chằng chống nhà cửa an toàn nhằm phòng tránh tốc mái, sụp đổ khi xảy ra dông, gió, lốc xoáy; kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, đốn hạ cây xanh không an toàn, không để xảy ra tình trạng ngã đổ cây khi có dông, gió, mưa lớn.
Xác định những địa bàn xung yếu, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đề nghị, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn phối hợp với các đơn vị và địa phương chủ động bố trí, điều động lực lượng, phương tiện trong việc ứng cứu hộ đê, hồ đập, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Các đơn vị, địa phương chỉ đạo bảo vệ các mục tiêu quan trọng và giúp người dân giải quyết hậu quả sau thiên tai. Tất cả lực lượng phải luôn sẵn sàng để ứng phó kịp thời với mọi tình huống thiên tai.
Nguyễn Thành