Ngọc Hiển phát triển kinh tế xanh

Là huyện ven biển thuộc tỉnh Cà Mau, nằm ở cực Nam Tổ quốc, Ngọc Hiển được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đặc trưng vùng ngập mặn, có ba mặt giáp biển. Khai thác tiềm năng địa phương, Ngọc Hiển đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nổi bật là các mô hình tôm - rừng, tôm sinh thái và du lịch sinh thái cộng đồng - du lịch xanh...

Ngoc Hien phat trien kinh te xanh 6.jpg
Công trình Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi Cà Mau được xây dựng mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội cổ xưa gắn với truyền thống lịch sử của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ảnh: Huỳnh Thế Anh

Huyện Ngọc Hiển sở hữu Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận khu dự trữ sinh quyển, khu Ramsar thứ 2.088 thế giới và thứ 5 của Việt Nam với hệ sinh thái rừng ngập mặn, động vật dưới tán rừng, ven biển phong phú, đa dạng. Huyện có tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối giao thông đường bộ thông suốt. Huyện còn có nhiều công trình văn hóa du lịch đặc trưng, tạo điểm nhấn riêng có cho du lịch địa phương như: Biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ Âu Cơ… Đây là cơ sở để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái cộng đồng - du lịch xanh. Huyện hiện có 9 hộ làm du lịch cộng đồng với nhiều sản phẩm đa dạng, hấp dẫn. Năm 2023, huyện thu hút 750 ngàn lượt khách đến tham quan, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng với tỷ lệ du khách tăng bình quân 6%/năm.

11-du khach tham quan xa Dat Mui Ngoc Hien-ca mau-anh Kim Ha.jpg
Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng - du lịch xanh tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Kim Há

Bên cạnh tiềm năng về du lịch, huyện Ngọc Hiển cũng là địa phương đứng đầu về diện tích nuôi tôm sinh thái và các mặt hàng chủ lực như tôm, cua của tỉnh. Trong đó, tôm sinh thái 19.400 ha/4.313 hộ nuôi, năng suất tôm từ 200 - 220 kg/ha/năm, cua 150 - 200 kg/ha/năm; nuôi tôm bán thâm canh trên 26.000 ha, thâm canh, siêu thâm canh khoảng 263 ha, năng suất từ 10 - 15 tấn/ha/vụ và quảng canh gần 7.000 ha. Đặc biệt, huyện có gần 10.000 ha tôm sinh thái đạt tiêu chuẩn chứng nhận EU Organic, Canada Organic, ASC, BAP... ; 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; nhãn hiệu “Tôm khô Rạch Gốc” và “Bánh phồng tôm Mũi Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhậ nhãn hiệu tập thể…

10-cua Ngoc Hien-ca mau-anh Huynh The Anh.jpg
Huyện Ngọc Hiển đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, giúp du khách được trải nghiệm không khí trong lành của thiên nhiên. Ảnh: Huỳnh Thế Anh

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Hiển thông tin, địa phương đang tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân có đủ điều kiện đầu tư hạ tầng, phát huy thế mạnh địa phương như: xây dựng dự án điện gió, cảng cá, trại sản xuất tôm, cua giống đạt chứng nhận an toàn sinh học, hữu cơ... để tạo ra con giống chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi tại chỗ và cung ứng cho các địa phương khác.

Ngoc Hien phat trien kinh te xanh 3.jpg
Cột mốc tọa độ Quốc gia tại GPS0001 (cây số 0) nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 110 km, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, là 1 trong 4 điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền. Ảnh: Lê Yến Thanh
Ngoc Hien phat trien kinh te xanh 8.jpg
Cua Ngọc Hiển nói riêng, cua Cà Mau nói chung được đánh giá là loại cua ngon nhất cả nước bởi thịt cua thơm ngon, gạch béo ngậy, trở thành món ăn đặc sản được du khách ưa chuộng. Ảnh: Lê Yến Thanh

Bên cạnh đó, nhằm thu hút du khách, huyện Ngọc Hiển đang đầu tư, hoàn thiện Làng Văn hóa du lịch Đất Mũi; hình thành 4 tuyến tham quan xuyên rừng trên lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; khảo sát mở mới tuyến du lịch xuyên rừng từ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Viên An - Cồn Cát - Đất Mũi dài khoảng 21 km; phát triển mới 2 điểm du lịch cộng đồng và nhiều sản phẩm đặc trưng…

Huỳnh Thế Anh

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm