Nghề muối ba khía tại Cà Mau được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Nghề muối ba khía tại Cà Mau được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Tối 23/6, tại huyện Ngọc Hiển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Nghề muối ba khía.

Cà Mau là vùng đất với nhiều phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt đặc sắc, trong đó có nghề muối ba khía.

Món ba khía muối hay con gọi là mắm ba khía mang đầy đủ nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực của người dân vùng đất cực Nam. Bởi, người dân nơi đây không chỉ đặc biệt yêu thích các loại mắm mà món ăn này còn xuất phát từ thực tế cuộc sống được hình thành từ thời đi khẩn hoang, mở cõi.

Qua thời gian, nghề muối ba khía tập trung nhiều tại các huyện: Năm Căn, Đầm Dơi hay Phú Tân… Nhưng đặc biệt nhất vẫn là muối làm từ con ba khía ở vùng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Nghề muối ba khía được duy trì qua nhiều thế hệ cư dân vùng rừng ngập Cà Mau và được biến tấu với nhiều cách làm khác nhau, song vẫn giữ được phong tục truyền thống và hương vị rất riêng, tạo nên thương hiệu đặc sản ẩm thực nổi tiếng của vùng Đất Mũi - Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau với lợi thế riêng biệt được đánh giá là giàu tiềm năng về phát triển du lịch. Một trong những giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế mà UBND tỉnh Cà Mau đề ra là có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Để thực hiện kế hoạch này, Cà Mau sẽ lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với các di sản: Lễ hội nghinh Ông - Sông Đốc (năm 2020), Lễ hội Đền thờ Vua Hùng (năm 2021), Nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022), Lễ vía Bà Thủy Long (năm 2023), Lễ vía Bà Thiên Hậu (năm 2024)...

Trước đó, Nghề gác kèo ong của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm