Chè Gay được huyện Anh Sơn xác định là cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho bà con nông dân. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN |
Năm 2018, tổng diện tích chè Gay trên địa bàn Anh Sơn có hơn 620 ha, tập trung ở hai xã Cao Sơn và Lĩnh Sơn; trong đó, nhiều nhất là xã Cao Sơn chiếm đến 500 ha (cả xã có 1.300 hộ nhưng đã 1.200 hộ trồng chè Gay). Các hộ trồng chè từ 2 - 3 sào/hộ, hộ trồng nhiều lên tới gần 4 ha. Năm nay, diện tích trồng chè Gay dự tính sẽ được mở rộng thêm 20 ha. Chè Gay được huyện Anh Sơn xác định là cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho bà con nông dân. Mỗi năm, nguồn thu từ chè Gay mang lại cho bà con nông dân nơi đây 19 tỷ đồng. Gia đình anh Cao Xuân Lương ở thôn 6, xã Cao Sơn đang trồng 3 ha chè Gay. Hàng chục năm qua, chè Gay mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh. Mỗi ngày anh Lương thu hoạch 50 bó, với giá hiện tại đang được giá cao lên đến 10 nghìn đồng/bó, anh Lương thu về 500 nghìn đồng mỗi ngày. Còn gia đình bà Nguyễn Thị Lĩnh cũng ở thôn 6, xã Cao Sơn có hơn 2 ha chè Gay cho thu hoạch quanh năm. Mỗi tháng thu nhập gần 10 triệu đồng từ chè. Nói về cách chăm sóc chè Gay, bà Lĩnh cho biết, trồng chè Gay không phải bỏ công chăm sóc nhiều, cây phát triển tự nhiên, hầu như không sâu bệnh, người trồng chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh ủ từ chế phẩm nông nghiệp mà không sử dụng phân bón hóa học.
Cán bộ xã Cao Sơn cùng các hộ dân trồng chè Gay trao đổi về cách chăm sóc chè Gay. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN |
Cây chè Gay đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội và sang nước bạn Lào. Tiếng tăm chè Gay Anh Sơn đã lan tỏa ra nhiều vùng với hương vị thơm dịu, khoan khoái. Để cây chè Gay phát triển theo hướng bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa, trở thành sản phẩm thân thuộc với mọi người, vươn xa ở nhiều thị trường trong tương lai, tỉnh Nghệ An cùng bà con nông dân Anh Sơn xác định phải xây dựng được thương hiệu. Theo ông Hoàng Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Anh Sơn, huyện và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An đã đăng ký xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây chè Gay trong năm 2018. "Hiện nay chúng tôi đang làm các thủ tục về các xét nghiệm, mẫu kiểm tra, giấy chứng nhận,… theo một quy trình chuẩn để được công nhận thương hiệu “Chè Gay Anh Sơn”, ông Cường cho biết.
Du khách thưởng thức chè Gay. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN |
Cùng với đó, những hộ trồng chè Gay ở Anh Sơn cũng chủ động chuyển đổi, cải tạo đồi chè, thực hiện sản xuất chè Gay theo hướng VietGap. Huyện Anh Sơn thí điểm xây dựng 10 ha chè Gay cho 20 hộ tại xã Cao Sơn theo mô hình VietGAP và dần dần nhân rộng ra toàn bộ diện tích trồng chè Gay ở huyện Anh Sơn. Nhiều vườn chè Gay ở Anh Sơn đến nay đã có tuổi đời lên đến 50 năm. Sở dĩ có tên gọi chè Gay vì ngày xưa, người dân xã Cao Sơn không có chợ nên phải mang chè ra chợ Gay, xã Lĩnh Sơn để bán. Từ đó, cái tên chè Gay ra đời và quen thuộc với mọi người đến bây giờ. Vùng đất đồi của xã Cao Sơn và Lĩnh Sơn tuy cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nhưng cây chè Gay lại tươi tốt và có hương vị đặc trưng. Chè Gay lá dày nhưng không to bản, sắc vàng xanh trên lá đậm hơn. Khi om nước, tỏa ra hương thơm nồng, nước sóng sánh sắc vàng. Khi uống, chè Gay thoáng đậm vị chát, chỉ một lúc sau cảm nhận được vị ngọt lành. Hương vị đặc biệt này khó có thể lẫn với các loại chè khác khiến người uống cảm thấy sảng khoái và thích thú.
Nguyễn Oanh