Chiều 25/8, tại sân Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bắc Kạn, Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc đã chính thức khai mạc.
Ngày hội quy tụ các sản phẩm OCOP, món ăn ngon tiêu biểu của các tỉnh vùng Việt Bắc là Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng.
Sự kiện được tổ chức nhằm hưởng ứng Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XV-Bắc Kạn 2024 gắn với Kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn; kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024).
Ngày hội có 70 gian hàng trưng bày, giới thiệu văn hóa ẩm thực, các sản phẩm nông sản OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của 6 tỉnh Việt Bắc, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn; 50 gian hàng thương mại thuộc các ngành hàng nông - lâm - hải sản và chế biến thực phẩm, sản phẩm may mặc, thời trang, da giày, gia dụng… Tỉnh Bắc Kạn tham gia Ngày hội với 45 gian hàng giới thiệu văn hóa ẩm thực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nông Quang Nhất nhấn mạnh, Ngày hội được tổ chức nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất kinh doanh của các tỉnh trong vùng Việt Bắc gặp gỡ, trao đổi, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường. Đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cũng như các đặc sản của 6 tỉnh Việt Bắc tới các doanh nghiệp, nhà phân phối và đông đảo người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Dịp này, tỉnh Bắc Kạn công bố và trao giấy chứng nhận, tôn vinh 27 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024. Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc diễn ra từ ngày 24 đến 28/8.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (One Commune, One Product, gọi tắt là Chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trọng tâm Chương trình OCOP ở Việt Nam là phát triển sản nhiều công nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, gắn với các chủ thể. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP bao gồm các thành phần kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác) và kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất)...
Vũ Hoàng Giang